Những tháng cuối năm này, nhiều DN dệt may, chế biến gỗ và xây dựng ở TP.HCM bị cắt giảm đơn hàng nên rất khó khăn. Trong đó, các DN dệt may bị giảm đơn hàng từ 30-40%. Tuy nhiên, các DN vẫn cố gắng sắp xếp lại sản xuất để không cắt giảm lao động và có thể đẩy mạnh sản xuất khi thị trường phục hồi trở lại.
Đa dạng dòng sản phẩm cho duy trì sản xuất
Công ty CP May Sài Gòn 3 những tháng cuối năm bị sụt giảm khoảng 20% đơn hàng. DN này dự báo trong quý I/2023, sản xuất sẽ chỉ ở mức 70% năng lực. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì việc làm ổn định cho hơn 3.000 lao động, chỉ cho một vài bộ phận sản xuất, công nhân tạm thời không làm việc vào ngày thứ Bảy.
Thiếu đơn hàng, nhiều DN duy trì hoạt động sản xuất đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Công ty CP Quốc tế Phong Phú (PPJ) có hơn 17.000 lao động làm việc ở 10 nhà máy cũng duy trì ổn định nguồn lao động trong tình hình khó khăn. Trước đây, DN lập kế hoạch sản xuất từ 6 tháng hoặc nhiều hơn, nay linh hoạt từng tháng, thậm chí từng tuần để hoạt động không bị gián đoạn. Một số nhà máy của công ty tìm cách chuyển đổi dòng sản phẩm, thích ứng trong điều kiện khó khăn, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Đồng thời, từ trước DN đã sản xuất theo tiêu chuẩn Fair Trade của Tổ chức FLO (Tổ chức về dán nhãn thương mại công bằng quốc tế), nên nhiều sản phẩm xuất khẩu được hưởng lợi tăng thêm 2% giá trị gia công (FOB). Từ đó, DN có thêm nguồn tiền hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn này.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú (PPJ) chia sẻ, có được thêm tiền từ khâu gia công đã góp phần giữ vững đội ngũ lao động, cũng là chính sách ưu đãi cho người lao động. “Toàn bộ tiền Fair Trade, DN không được phép sử dụng và chỉ sử dụng cho người lao động. Năm 2023, dự báo tình hình vẫn còn khó khăn, DN muốn duy trì sản xuất, duy trì lao động nên phải linh hoạt chuyển đổi dòng hàng”, bà Liên cho hay.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Thêu may đan TP.HCM cho biết thêm, hiện nay các DN dệt may đang cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng phụ để hỗ trợ kế hoạch sản xuất, duy trì thời gian sản xuất cho công nhân. “Có thể nhiều DN, người lao động phải nghỉ bớt giờ trong ngày, bớt ngày trong tuần nhưng DN vẫn duy trì sản xuất để có thu nhập cho người lao động trước Tết, dù hiện nay doanh thu và kế hoạch sản xuất của nhiều DN đã sụt giảm”, ông Hồng cho biết.
Một số DN dệt may đang cố gắng tìm kiếm thêm đơn hàng phụ để hỗ trợ kế hoạch sản xuất.
Sắp xếp lại sản xuất hợp lý
Hiện nay, thị trường bất động sản ở TP.HCM đang chựng lại, nên nhiều DN xây dựng cũng rất khó khăn. Công ty Lê Thành giảm nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản nhưng vẫn duy trì công việc ổn định cho hơn 1.500 lao động. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, DN sắp xếp lại sản xuất, công việc để người lao động luân phiên có làm việc, có thu nhập. Bằng nhiều cách, công ty xoay xở để duy trì quỹ lương cho người lao động mỗi tháng 10 tỷ đồng và dự kiến Tết này vẫn có tiền thưởng cho nhân viên vào khoảng 1,5 tháng lương.
“Hiện nay DN vẫn giữ vững toàn bộ người lao động và đây là sự cố gằng rất rất lớn, vì quỹ trả tiền lương phải rất nhiều và phải đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính của công ty. Nếu lúc này DN không giữ lao động, khi thị trường phục hồi trở lại sẽ rất khó tìm được lượng lực nhân viên thuần thục, vì họ đã gắn bó với DN từ rất lâu, được đào tạo quen với cách làm việc của DN nên việc cố gắng giữ nguồn lao động sẽ là giải pháp khả thi”, ông Thành khẳng định.
Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, việc các DN duy trì sản xuất và ưu tiên sử dụng tối đa nguồn lao động của mình vẫn luôn được đánh giá là sự nỗ lực lớn./.