Dù ở tuổi đời còn khá trẻ nhưng những thiếu gia này lại sở hữu hàng nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán, đứng ở vị trí lãnh đạo của công ty gia đình.
Người kế nghiệp ở Hoá chất Đức Giang
Đào Hữu Duy Anh làm việc cho công ty gia đình, CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang. Trước khi đi học, Duy Anh đã "được" bố là ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch công ty cho sang nhà máy tại quận Long Biên, Hà Nội làm công nhân xây dựng, khi về nước thì được làm trợ lý Tổng giám đốc và 2 năm sau làm Phó Tổng giám đốc công ty hoá chất ở tuổi 25.
Sau 6 năm giữ vai trò Phó Tổng giám đốc, đầu năm 2020, Đào Hữu Duy Anh chính thức được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc CTCP Hoá chất Đức Giang. Năm nay, ở tuổi 33, giá trị cổ phiếu Duy Anh đang nắm giữ khoảng hơn 300 tỷ đồng.
Thiếu gia nhà hoá chất Đức Giang |
Theo Duy Anh, nói Đức Giang quản trị gia đình thì không đúng lắm vì đã là một công ty niêm yết trên sàn. Các giám đốc nhà máy không phải là người của gia đình, chỉ có Chủ tịch và TGĐ là người gia đình. Đúng là Đức Giang chưa có cổ đông lớn tham gia điều hành, trong tương lai có thể thay đổi.
Vietjet mua cổ phần Startup con trai nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Năm 2019, Tommy Nguyễn - con trai của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - trở thành đồng sáng lập startup công nghệ Swift247 hoạt động trong lĩnh vực logistics, chuyển phát.
Trải nghiệm "nhớ đời" khiến cậu học sinh còn đang ngồi ghế nhà trường muốn "làm một điều gì đó" khác biệt về phương thức vận chuyển tại thị trường Việt Nam. Nhìn sang mô hình của Prime Amazon có thể ship 29 bang của Mỹ trong thời gian 2 ngày hoàn toàn miễn phí với tốc độ ship hàng nhanh đến không ngờ, trong khi dịch vụ logistic còn nhiều bất cập thì ở Việt Nam và khu vực châu Á, thương mại điện tử có xu hướng bùng nổ và đó là lý do startup này ra đời.
Bất ngờ về con trai của các tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam |
Tới tháng 9/2020, Vietjet công bố thông tin về việc tái cơ cấu và phát triển hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường hàng không trên nền tảng công nghệ số & thương mại điện tử thông qua M&A Công ty Cổ phần Vietjetair Cargo và Công ty TNHH Swift247.
Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh vào ngày 4/11/2020, vốn điều lệ của Swift 247 được tăng lên 47 tỷ đồng. Công ty cũng chuyển từ mô hình Công ty TNHH sang công ty cổ phần trong đó Vietjet là cổ đông chi phối nắm 67% vốn.
Thiếu gia ngân hàng sở hữu nghìn tỷ
Tính từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu ACB tăng 4.300 đồng tương ứng tăng 16,04%. Với mức tăng này của giá cổ phiếu, tài sản gia đình ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB (HĐQT) - tăng mạnh.
Theo báo cáo quản trị năm 2020 do ACB mới công bố, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu 74,07 triệu cổ phiếu tương ứng chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ở ngân hàng này. Bà Đặng Thu Thủy - Thành viên HĐQT - nắm 28,82 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 1,19%.
Thiếu gia trong lĩnh vực ngân hàng |
Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2018, sở hữu của nhóm ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) ở ACB được cho biết đạt trên 10%. Trong đó, bầu Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu còn bà Đặng Ngọc Lan sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu.
Tính ra, trong phiên hôm qua, tài sản vợ chồng bầu Kiên tăng gần 137 tỷ đồng và tăng hơn 301 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2, hiện đạt 2.193,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, tài sản cổ phiếu của gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy tăng hơn 371 tỷ đồng trong ngày 19/2 và tăng 818,2 tỷ đồng so với đầu tháng 2.
Con trai bầu Hiển làm Chủ tịch công ty nắm hàng loạt đất vàng thủ đô
Ông Đỗ Vinh Quang, sinh năm 1995, con trai thứ của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Dịch vụ Tràng Thi. Chức vụ này được ông Quang đảm nhiệm từ tháng 11/2020, sau khi ĐHĐCĐ bất thường bầu thay thế cho ông Bùi Trọng Dân xin từ nhiệm. Nhiệm kỳ Chủ tịch trong giai đoạn từ 2020-2025.
Ngay sau khi ngồi ghế Chủ tịch công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi, công ty này tổ chức ĐHĐCĐ bất thường xin ý kiến việc chào bán 40,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu giá bán 30.000 đồng/cp, và được thông qua.
Vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 135 tỷ đồng lên 540 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 1-2/2021, số tiền thu về 1.215 tỷ đồng.
Với số tiền này, công ty dự định dùng cho phát triển hoạt động kinh doanh; bổ sung vốn lưu động; đầu tư góp vốn, hợp tác kinh doanh mua bán hàng hóa; đầu tư phát triển dự án bất động sản; mua cổ phần các công ty uy tín; cải tạo mạng lưới để mở rộng quy mô và ngành nghề kinh doanh; chuyển đổi sang hình thức thuê đất trả tiền 1 lần của một số địa điểm để nâng cao hiệu quả sử dụng…
Đại gia Lê Phước Vũ lại ra tay đầu năm
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của ông Lê Phước Vũ vừa công bố thông tin liên quan đến chủ trương lùi việc mua 22 triệu cổ phiếu quỹ, đồng thời sẽ bán toàn bộ số cổ phiếu quỹ do công ty mua trước ngày 1/1/2021.
HSG đang sở hữu 327.100 cổ phiếu quỹ được mua lại từ các cán bộ nhân viên nghỉ việc. Như vậy, kế hoạch mua 22 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 550 tỷ đồng của HSG tạm thời hoãn lại.
Đại gia Lê Phước Vũ lên núi ở ẩn |
Gần đây, cổ phiếu HSG tiếp tục tăng mạnh và hiện ở quanh ngưỡng 25.000 đồng/cp. Cổ phiếu HSG đã tăng khoảng 5 lần so với cách đây 1 năm và mang về cho các cổ đông thêm khoảng 9.000 tỷ đồng.
Với mức tăng 5 lần trong khoảng 1 năm qua, áp lực chốt lời lên cổ phiếu này là khá lớn. Giới đầu tư chờ đợi việc mua vào cổ phiếu quỹ sẽ giúp giá cổ phiếu HSG sẽ ổn định hơn. Dù vậy, không ít nhà đầu tư biết đến ông Lê Phước Vũ không chỉ là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp giỏi mà còn là người mua bán chứng khoán thành công hiếm có.
Ông Lê Phước Vũ được biết đến là một phật tử và đã chính thức đi tu, đem đời mình nương nhờ cửa Phật hồi tháng 7/2020 sau một thời gian dài ẩn mình. Tuy nhiên, đại gia này vẫn quyết định những công việc quan trọng tại Tập đoàn Hoa Sen, trong đó có việc mua đầu cơ nguyên liệu mang đến thành công trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp này.
Thư Kỳ (Tổng hợp)