Tình trạng thiếu loại nguyên liệu công nghiệp ít được biết đến đang có nguy cơ làm tê liệt hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc, đồng thời đặt ra các cuộc thảo luận về sự phụ thuộc của nước này vào các nguồn hàng nhập khẩu để duy trì hoạt động kinh doanh.
Tình trạng thiếu hụt dung dịch urê
Nguyên liệu được đề cập ở đây là dung dịch urê, thứ được sử dụng để cắt giảm lượng khí thải trong ô tô chạy bằng động cơ diesel và để làm phân bón nông nghiệp.
Để tránh một viễn cảnh ác mộng các sản phẩm thối rữa trước khi được đưa ra thị trường hoặc các nhà máy buộc phải đóng cửa, các nhà chức trách đang phân bổ nguồn cung và chạy đua để đảm bảo nguồn nhập khẩu bổ sung urê.
Xe tải chạy bằng động cơ diesel được sử dụng để vận chuyển xăng đến các trạm xăng ở Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là tình trạng thiếu urê thậm chí có thể khiến người dân không có xăng để đổ cho ô tô của họ.
Nguyên nhân của sự thiếu hụt là do Trung Quốc đặt ra các hạn chế đối với xuất khẩu dung dịch urê vào tháng trước. Than đá được sử dụng trong quá trình sản xuất dung dịch urê, vì thế giá urê tăng do tình trạng thiếu than đang diễn ra ở Trung Quốc. Giá urê ở Hàn Quốc tăng vọt do hạn chế xuất khẩu khiến người tiêu dùng hoang mang
Hàn Quốc không phải quốc gia duy nhất đối mặt với tình trạng thiếu hụt bởi cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc. Ở châu Âu, các nhà sản xuất ô tô có thể cạn kiệt nhôm do thiếu nguồn cung magiê từ Trung Quốc.
Song song với đó, khi các quốc gia trên thế giới nới lỏng các hạn chế về đại dịch, việc tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ cũng tăng đột biến. Nhu cầu gia tăng đang khiến giá hàng hoá toàn cầu tăng vọt.
Tuy nhiên, trường hợp thiếu hụt dung dịch urê ở Hàn Quốc có thể đặc biệt nghiêm trọng. Các chuyên gia cho biết, nguồn dự trữ cạn kiệt có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Kim Sei-wan, giáo sư kinh tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, nói với Nikkei Asia: "Có hơn 10 triệu xe chạy dầu diesel ở Hàn Quốc và chúng tôi chỉ dự trữ tối đa lượng urê dùng trong 3 tháng. Nếu tình trạng thiếu urê tiếp tục kéo dài, tất cả hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ có thể bị ảnh hưởng".
Hiệu ứng gợn sóng có thể lan sang hàng loạt các lĩnh vực khác. Các nhà thầu có thể bị buộc phải đóng cửa các công trường xây dựng nếu họ không được tiếp cận nguồn cung hoặc thiết bị mà họ cần. Kết quả cuộc khảo sát của 253 công nhân xây dựng cho thấy, họ chỉ còn đủ dung dịch urê cho máy móc hoạt động trong vòng 12 ngày nữa.
Người dân Hàn Quốc xếp hàng để mua urê. Ảnh: RT
Chính phủ hiện đang làm việc với các công ty tư nhân để tăng tốc sản xuất và phân phối dung dịch urê, đồng thời thu xếp việc nhập khẩu khẩn cấp.
Một máy bay vận tải quân sự của Hàn Quốc đã bay đến Australia để vận chuyển 27.000 lít dung dịch urê. Bộ Công Thương cho biết đây là khối lượng tối đa mà máy bay có thể vận chuyển một cách an toàn. Lượng dung dịch urê này đảm bảo cho các phương tiện quan trọng có thể hoạt động trơn tru trong 2 tháng tới.
Ngày 13/11, Bộ Môi trường Hàn Quốc thông báo rằng 1,8 triệu lít dung dịch urê do Lotte Fine Chemical sản xuất sẽ được phân phối cho 100 trạm xăng trên khắp cả nước. Chính phủ cũng thông báo thành lập một lực lượng đặc nhiệm để ngăn chặn đầu cơ tích trữ hoặc bán bất hợp pháp dung dịch urê. Các nhà sản xuất trong nước cũng phải cập nhật thường xuyên về lượng urê mà họ có.
Nguyên nhân do đâu?
Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi tại sao Hàn Quốc, một quốc gia có công nghệ sản xuất tiên tiến nhất thế giới, lại đang đối mặt với tình trạng thiếu trầm trọng loại nguyên liệu dễ sản xuất.
Các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra rằng hầu hết các nhà máy sản xuất urê của Hàn Quốc đã đóng cửa từ nhiều năm trước. Các công ty nhận thấy giá nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn.
Giáo sư Kim nói: "Sản xuất urê không đòi hỏi công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn. Có rất nhiều công ty Hàn Quốc sẵn sàng sản xuất urê. Nhưng sản xuất urê không mang lại lợi nhuận tương đối cho các công ty hóa chất Hàn Quốc".
Sự thiếu hụt cũng kéo theo việc giám sát chặt chẽ về mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu của Hàn Quốc để vận hành nền kinh tế và việc dễ bị ảnh hưởng bởi trục trặc của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho thấy Hàn Quốc phụ thuộc hơn 80% vào một quốc gia với 3.941 mặt hàng nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia cung cấp tới 1.850 mặt hàng. Hiệp hội kêu gọi chính phủ đa dạng hóa nguồn cung hoặc nội địa hóa sản xuất.
Do đó, cuộc khủng hoảng urê có thể là một bước ngoặt khiến Hàn Quốc tìm kiếm thêm các đối tác thương mại và sản xuất nhiều mặt hàng trong nước hơn.
Giáo sư Kwon Yong-joo tại Đại học Kookmin cho biết: "Để thay thế cho Trung Quốc, Hàn Quốc đã bắt đầu nhập urê từ Trung Đông, Đông Nam Á và Nga. Điều này sẽ có tác dụng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc". Nhưng nhược điểm của những nguồn thay thế là chúng đắt hơn.
Giáo sư Kwon nói: "Giá cao là một gánh nặng và sẽ khiến chi phí logistics ở Hàn Quốc tăng lên. Về lâu dài, sản xuất trong nước là điều cần thiết, nhưng trợ cấp là then chốt trong trường hợp đó".
Một số nhà quan sát đã so sánh cuộc khủng hoảng hiện tại với cuộc khủng hoảng xảy ra vào mùa hè năm 2019, khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu công nghiệp chính sang Hàn Quốc. Trong cả hai trường hợp, Hàn Quốc đều cần đến sản xuất trong nước và tránh sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Kim Pil-soo, giáo sư nghiên cứu ô tô tại Đại học Daelim, trả lời phỏng vấn với truyền thông địa phương rằng chính phủ Hàn Quốc nên thành lập một ủy ban quốc gia để xác định các mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ khác và bắt đầu đưa ra các biện pháp.
Theo Nikkei Asia