Cùng với đó, gây cản trở nỗ lực hiện đại hoá, nâng cao năng suất nông nghiệp Việt Nam. Điều này nghe có vẻ bất hợp lý khi Việt Nam có "cơ cấu dân số vàng" lực lượng lao động trẻ dồi dào. Tuy nhiên đây lại là thực tế, đặc biệt với nông nghiệp công nghệ cao, lực lượng lao động đang vừa thiếu vừa yếu.
97% lao động nông nghiệp hiện nay chưa qua đào tạo, nền nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của những "lão nông tri điền".
Nói như Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hoài Nam thừa nhận, do năng suất thấp, lương không cao nên lao động tại các địa phương đã thoát ly khỏi đồng ruộng. “Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khi đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp”, ông Nam nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nam cho biết, trong khi Việt Nam chưa có những dây truyền tự động hoàn toàn để thay thế con người trong khâu sản xuất, thì lao động là yếu tố quyết định. Nhưng, hiện lao động phổ thông cũng đang là vấn đề lớn và nỗi lo.
"Ngành nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông thôn, có lao động phổ thông và lao động bậc cao. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lại phải cạnh tranh lớn với khu vực công nghiệp về thu hút lao động ở cả bậc phổ thông và bậc cao", ông Nam cho biết.
Chính việc thiếu hụt lao động bậc cao khiến cho áp lực từ cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Thậm chí, như ông Nam chia sẻ, doanh nghiệp còn thiếu lao động phổ thông khiến ngay cả những công việc giản đơn của doanh nghiệp nông nghiệp cũng khó thực hiện được.
Đồng quan điểm, Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định, thanh niên thoát ly khỏi nông thôn, nông nghiệp vì thu nhập thấp. Tình trạng này khiến mỗi đợt thu lúa, thu cà phê doanh nghiệp thiếu lao động, trong khi đó máy móc nhập từ nước ngoài thì đắt đỏ.
Do đó, ông Nhân kiến nghị, cách mạng 4.0, Việt Nam phải nghiên cứu làm đồng ruộng thông minh, gieo cấy tự động, tưới nước, đo lượng nước tự động, phân bón thông minh tan dần theo chu kỳ tăng trưởng của cây lúa và đặc biệt phải thu hoạch và chế biến thông minh.
"Trái cây ngâm rửa, đóng gói rất mất thời gian... những khâu này có thể tự động hóa được. Chúng tôi vừa hợp tác giữa một trường Đại học của TP.HCM với các tỉnh Tây Nam Bộ, ĐBSCL để hướng tới mục tiêu là xây dựng cơ sở công nghiệp nông nghiệp và trung tâm sản xuất thiết bị cho ngành nông nghiệp", ông Nhân nói.
Bí thư thành ủy TP.HCM đồng thời khẳng định, vai trò của hộ nông dân trong các thành tựu của ngành nông nghiệp Việt Nam đã đến lúc “bão hòa”. Bởi trong giai đoạn hội nhập hiện nay thì hộ nông dân cá thể không còn “chủ lực” được nữa.
Điều này đặt ra đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu từ hộ cá thể sang hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và liên minh giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.
Do đó, ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, Chính phủ và chính quyền địa phương đo đếm sự giúp đỡ doanh nghiệp bằng cách chỉ ra mỗi năm, tại mỗi tỉnh thì Nhà nước giúp được bao nhiêu hợp tác xã, bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và công bố chỉ tiêu thu nhập nông dân được bao nhiêu, bao nhiêu đất nông nghiệp được nông dân thâm canh.
Kiến nghị này đồng nhất với chủ trương của Chính phủ, khi xác định rõ việc thu hút doanh nghiệp (trong đó có các hợp tác xã) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhân tố có ý nghĩa quyết định thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Nói như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ đảm nhận vai trò trung tâm, từ cung cấp vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất - chế biến - bảo quản - đến tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm - tạo thành một chu trình khoa học, khép kín”.