Tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện trên thị trường toàn cầu từ năm ngoái đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất, trong đó có ôtô.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Phụ tùng ôtô Nhật Bản, dịch Covid-19 khiến các nhà máy sản xuất linh kiện, sản xuất và lắp ráp ôtô ở Malaysia - nơi tập trung hơn 30% địa điểm sản xuất của các hãng xe Nhật - phải giảm công suất đáng kể. Không riêng Malaysia, nhiều nhà máy đặt tại các quốc gia Đông Nam Á cũng phải đóng cửa hoặc bị cắt giảm công suất trong đại dịch Covid-19.
Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện, hãng xe Daihatsu Motor (Nhật Bản) tạm ngừng hoạt động 4 nhà máy lắp ráp trong hơn nửa tháng và đối mặt với nguy cơ sản lượng giảm khoảng 30.000-40.000 chiếc trong tháng 8 và tháng 9 năm nay. Dự kiến cả năm, sản lượng của Daihatsu Motor giảm 19%-25%. Tương tự, hãng Daihatsu, Toyota Motor sẽ cắt giảm 40% sản lượng sản xuất toàn cầu tháng 9 so với mục tiêu trước đó. Nissan Motor cũng phải đóng cửa một nhà máy lắp ráp ở bang Tennessee (Mỹ) trong 2 tuần vì gặp trục trặc trong việc mua sắm chất bán dẫn ở Malaysia…
Cuộc khủng hoảng thiếu linh kiện khiến giá xe trên thị trường thế giới được dự báo sẽ tăng. Riêng tại Mỹ, giá xe đã tăng khoảng 15% trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến thị trường ôtô Việt Nam vẫn chưa quá lớn, dù nhiều hãng xe thừa nhận phải đóng cửa một số nhà máy do nhập linh kiện, phụ tùng gặp khó khăn.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), bên cạnh nhiều nhà máy sản xuất linh kiện, nhà máy sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước phải tạm đóng cửa, vẫn còn một số duy trì hoạt động cầm chừng. Đa phần các hãng đã lên kế hoạch hoạt động cho cả năm nên không rơi vào tình trạng bị động như năm ngoái. Một số nhà máy dự trữ linh kiện trong kho đủ phục vụ sản xuất từ 3 tháng trở lên. Ngoài ra, nhiều hãng xe còn có nguồn cung "dự phòng" từ nước thứ 3 là Trung Quốc với lợi thế vận chuyển nhanh chóng. "Ôtô tồn kho hiện nay đủ sức cung cấp cho thị trường trong khoảng 2 tháng tới" - VAMA thông tin.
Giá xe trong nước ít có khả năng tăng do lượng tồn kho khá lớn
Ông Đỗ Nguyễn Vương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ôtô Volkswagen Việt Nam, nhìn nhận phần lớn các hãng ôtô của Nhật bị ảnh hưởng mạnh bởi tình trạng thiếu nguồn cung linh kiện do phụ thuộc vào các nhà máy ở khu vực Đông Nam Á - nơi hoạt động sản xuất linh kiện đang bị ngưng trệ. Các hãng xe Mỹ, châu Âu do nhận nguồn cung linh kiện từ nguồn khác nên mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Trong khi đó, nguồn xe nhập khẩu về Việt Nam vẫn khá dồi dào nhờ doanh nghiệp đã có kế hoạch từ 6 tháng trước. "Thị trường Việt Nam vẫn còn lượng hàng tồn rất lớn sau khi đóng băng trong 3-4 tháng giãn cách xã hội vừa qua, dự kiến đủ tiêu thụ ít nhất đến cuối năm nay" - ông Vương nhận định.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng cho rằng nhiều hãng xe ở ở Mỹ, châu Âu bố trí nguồn cung linh kiện ở 3 hướng khác nhau nên tránh được sự phụ thuộc tuyệt đối vào tình hình kinh tế - xã hội của một khu vực, từ đó hạn chế tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, sản xuất và cung ứng xe nhập khẩu cho thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn khá ổn định.
Không tăng giá
Về lý thuyết, nguồn cung hạn chế sẽ kéo theo giá tăng. Tuy nhiên, đại diện các hãng ôtô trong nước xác nhận chuyện đó khó xảy ra tại thị trường Việt Nam trong ngắn hạn. Thậm chí, để giải quyết lượng hàng tồn khá lớn, các hãng có thể phải giảm giá hoặc đưa ra nhiều ưu đãi để hút khách.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Minh Đồng lưu ý khả năng các hãng xe thế giới "tung" thông tin thiếu nguồn cung linh kiện và sản phẩm ôtô nhằm tăng giá với những mẫu xe "hot".