Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết người dân, đa phần là sinh viên đang đi học, mới đi làm, lao động thu nhập thấp, các gia đình trẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư lựa chọn sinh sống ở các căn phòng thiếu an toàn, không được đầu tư cơ sở hạ tầng, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy,... Trong hoàn cảnh thiếu nhà ở giá rẻ thì đây là lựa chọn duy nhất nằm trong khả năng chi trả của họ để "bám trụ" tại Hà Nội.
Thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua ghi nhận giá thuê nhà ngày càng đắt đỏ, tăng hơn nhiều lần mức tăng thu nhập của người dân trong bối cảnh nguồn cung nhà ở ngày càng khan hiếm. Khi mà các căn phòng có giá khoảng 2,5 triệu đồng/tháng cũng vắng bóng cùng phân khúc căn hộ bình dân.
Tình trạng này cũng giúp các mô hình thiết kế căn hộ mini, homestay, hộp ngủ cho thuê bùng nổ mạnh mẽ và trở thành hình thức đầu tư sinh lời hấp dẫn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM trong những năm gần đây. Các mô hình này đồng thời làm dấy lên những lo ngại về an ninh, trật tự và đặc biệt là phòng cháy chữa cháy.
Theo đó, vào đêm 12/9 rạng sáng 13/9/2023, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ xảy ra khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Vừa qua, rạng sáng ngày 24/5 tại Hà Nội, cũng đã xảy ra vụ cháy lớn tại ngôi nhà trọ trong ngõ 119 phố Trung Kính, thành phố Hà Nội khiến 14 người tử vong, 3 người bị thương. Điểm chung dễ nhận thấy ở nơi xảy ra những vụ cháy này, đó là đều nằm sâu trong các ngõ nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận được và ở loại hình nhà ở có nhiều căn hộ.
VARS cho rằng, sau nhiều sự cố cháy nổ ở “nhà hẻm ngõ sâu" gây hậu quả nghiêm trọng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn chất lượng dịch vụ, nhất là phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, cũng cần có các quy định chi tiết hơn về tiêu chuẩn kinh doanh cho thuê, từ loại hình nhà ở thấp tầng tới các tòa nhà cao tầng. Nhưng cũng phải cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, là việc các nhà đầu tư thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy, hay các nâng cấp khác để đảm bảo tiêu chuẩn kinh doanh có thể khiến giá thuê bất động sản tăng lên, do việc kết chuyển chi phí vào giá thành.
Tuy nhiên, tất cả các giải pháp nói trên, cũng chỉ là lời giải cho bài toán về nhà ở trong ngắn hạn. Bởi về lâu dài, lượng người nhập cư Hà Nội để học tập, làm việc, ước tính hàng trăm nghìn người mỗi năm, ngày càng tăng. Nếu các loại hình tự phát nói trên tiếp tục phát triển, sẽ tạo áp lực quá tải đô thị, đặc biệt là gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật xã hội, làm tăng mật độ dân cư, không đảm bảo các quy chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, thiếu tiện ích cần thiết cho cư dân…
VARS cho rằng, việc xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp với các giải pháp đồng bộ đòi hỏi sự quan tâm của các các nhà quản lý.
Thứ nhất, các nhà quản lý cần thúc đẩy di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học khỏi nội đô, gắn với các trục phát triển và thành phố vệ tinh. Nhất là các trường đại học, để di dời khoảng một triệu sinh viên ra khỏi nội đô, giảm áp lực về nhà ở cho Thủ đô.
Cùng với đó, việc di dời phải thực hiện cùng với các chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô và một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong khi khu vực di dời phải đảm bảo các tiêu chuẩn về trường lớp, dịch vụ hạ tầng xã hội đảm bảo đi kèm.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, bao gồm cả mua, thuê và thuê mua với chi phí rẻ, có đầy đủ cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh an toàn.
"Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, thực hiện rà soát nhu cầu về nhà ở của người dân để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ở vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp với nhu cầu của người dân với đầy đủ hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước,... Đồng thời, xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính, tăng ưu đãi lãi suất cho người mua với thời gian 10 - 15 năm, lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại theo yêu cầu của Thủ tướng và tạo điều kiện tiếp cận quỹ đất nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phân khúc này", VARS kiến nghị.
Cuối cùng là, để đảm bảo an sinh xã hội của người dân, ngoài các chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần có các cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhất là tại các thành phố lớn. Để người dân có thu nhập thấp có cơ hội được an cư an toàn.
VARS kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu xây dựng gói ưu đãi lãi suất cho vay mua, phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp. Bởi với đặc thù pháp lý và rủi ro khác nhau, lãi suất cho vay mua các loại hình nhà ở không nên cào bằng như hiện nay. Trên thế giới, Mỹ và Úc đều đã có các Ngân hàng đặc thù chuyên cho vay bất động sản, huy động vốn từ thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế với lãi suất thấp hơn Ngân hàng thương mại với thời hạn cho vay dài hơn lên đến 30 - 40 năm.