Những ngày đầu năm 2020 diễn ra không thực sự êm ả với thị trường chứng khoán Việt Nam. Hàng loạt tác động khách quan như căng thẳng chính trị Mỹ - Iran hay dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, áp lực rút vốn của khối ngoại cũng là một trong những tác động tiêu cực khi họ bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường chỉ tính riêng trong tháng 2.
Kết thúc phiên giao dịch 21/2, chỉ số VN-Index dừng tại 933,09 điểm, giảm 2,9% so với đầu năm và nằm trong top những chỉ số chứng khoán có biến động "tệ" nhất thế giới.
VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán "tệ" nhất từ đầu năm
Thị trường thiếu vắng cổ phiếu chất lượng
Bên cạnh những yếu tố khách quan kể trên, diễn biến kém tích cực của chứng khoán Việt Nam thời gian qua còn đến từ việc thiếu hàng hóa chất lượng.
Trong hơn 1 năm qua, thị trường Việt Nam thiếu vắng những doanh nghiệp lớn lên sàn. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không như kỳ vọng, cùng diễn biến kém tích cực của thị trường chung khiến không có "hàng" mới lên sàn. Điều này kéo theo khả năng hút vốn của thị trường giảm đáng kể so với giai đoạn 2016 – 2018.
Dù vậy, điều này có thể được cải thiện hơn trong năm 2020 khi Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung của nghị định 126/2017/NĐ-CP và NĐ số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đây sẽ là động lực giúp đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa trong thời gian tới. Hai thương vụ lớn được thị trường chờ đợi là Mobifone và Agribank.
Bên cạnh đó, một yếu tố khiến thị trường Việt Nam không có sự đồng pha với nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt thị trường Mỹ đến từ cơ cấu cổ phiếu.
Tại Việt Nam, cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng chiếm tỷ trọng cũng như ảnh hưởng lớn trong cơ cấu thị trường. Dù vậy, đây là nhóm ngành chịu tác động lớn từ tăng trưởng tín dụng. Do đó, những diễn biến chậm lại của nền kinh tế sẽ có tác động tiêu cực tới các nhóm ngành này, qua đó ảnh hưởng xấu tới Index.
Các chỉ số công nghệ tiếp tục tăng trưởng mạnh
Trong khi đó, thống kê các chỉ số chứng khoán tốt nhất Thế giới từ đầu năm 2020 tới nay có sự hiện diện của những cái tên như Chinext Index (+23,83%), Nasdaq Index (+6,73%), Russell 3000 Index (+6,55%) và đây đều là những chỉ số thiên về nhóm ngành công nghệ.
Cụ thể, Nasdaq quy tụ cổ phiếu Công nghệ hàng đầu Mỹ như Tesla, Microsoft, Alphabet, Nvidia, Apple, Amazon…Sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ trong những năm qua là động lực chính giúp Nasdaq cũng như Dow Jones bứt phá mạnh. Trong khi Chinext được coi là "Nasdaq của Thâm Quyến", còn Russell 3000 là nơi quy tụ 3000 cổ phiếu lớn nhất của FTSE Russell với top đầu là cổ phiếu công nghệ và các chỉ số này đều bứt phá ấn tượng từ đầu năm tới nay.
Nasdaq liên tiếp phá đỉnh nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu công nghệ
Trong kỷ nguyên số hiện nay, nhóm ngành công nghệ, viễn thông (ICT) được coi là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế. Do đó, dòng tiền có xu hướng đổ mạnh vào các cổ phiếu ICT dù định giá P/E đều khá cao.
Quay lại Việt Nam, chúng ta đang thiếu vắng cổ phiếu ICT trên sàn chứng khoán. Những cái tên nổi bật nhất chỉ là FPT, CMG, Yeah1, Clever Ads hay một vài doanh nghiệp "họ Viettel". Tuy vậy, quy mô các doanh nghiệp ICT tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và khó có thể tạo ra ảnh hưởng tới Index. Điều này là một phần nguyên nhân khiến hiệu suất chứng khoán Việt Nam chưa có sự đồng pha với các thị trường lớn trên Thế giới trong thời gian gần đây.