Trong năm 2018, Chương trình Think Tanks và xã hội dân sự của Đại học Pennsylvania đã đánh giá The Heritage Foundation là Think Tank có tác động lớn nhất đến các chính sách công. Chỉ số xếp hạng Think Tank được xây dựng thường niên thông qua cuộc khảo sát với sự tham gia của hơn 7.500 học giả, các nhà tài trợ, nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia để xếp hạng hơn 6.600 Think Tank.
Được thành lập từ năm 1973, The Heritage Foundation đã và đang thúc đẩy những chính sách công dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp tự do, hạn chế sự can thiệp của chính phủ, tự do cá nhân, đề cao những giá trị truyền thống của nước Mỹ và củng cố một nền quốc phòng vững chắc. Trong suốt 40 năm xây dựng và phát triển, tổ chức này đã cho thấy những lợi ích đáng kể đóng góp cho chương trình nghị sự bảo thủ.
Với hơn 100 chuyên gia, Heritage chuyên giải quyết những vấn đề chính sách phức tạp bằng những giải pháp đơn giản và hiệu quả mang tính bảo thủ. Họ tuyên truyền những giải pháp đến 10 triệu người dân nước Mỹ thông qua website The Daily Signal và mạng xã hội của mình.
Những chuyên gia của tổ chức này cũng xuất hiện trên truyền hình và phát thanh liên tục mỗi tuần, phát hành hàng trăm báo cáo về nghiên cứu chính sách và tổ chức rất nhiều hội nghị với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cơ sở, công chức địa phương và nhà nước hàng năm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc gặp mặt nhà lãnh đạo các quốc gia 2017 tổ chức tại The Heritage Foundation.
Dưới đây là một số đề xuất chính sách điển hình của The Heritage Foundation đã được chấp thuận và thực thi bởi chính quyền Tổng thống Trump:
1. Rút khỏi Hiệp định Paris về Khí hậu
Trong tháng 8/2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ cắt đứt khoản tài trợ và tư cách thành viên của mình trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
"Ước tính việc tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có thể ngốn khoảng 2,5 tỷ USD trong vòng 10 năm", Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Harrisburg trong lễ kỷ niệm ngày nhậm chức thứ 100 của mình.
Số liệu trên đưa trích ra từ báo cáo của 3 chuyên gia từ Tổ chức Heritage là Kevin Dayaratna, Nicholas Loris và David Kreutzer.
"Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã làm suy yếu nền kinh tế Mỹ, khiến nhiều người mất việc làm, làm suy yếu chủ quyền quốc gia và đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước khác trên thế giới", ông chủ Nhà Trắng giải thích.
Tuy nhiên, ông Trump cũng khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tìm kiếm một thỏa thuận khác "công bằng hơn với nước Mỹ, với các doanh nghiệp, công nhân, người dân và những người đang đóng thuế cho nước Mỹ".
2. Loại bỏ sự bình đẳng trên Internet (Net Neutrality)
Vào tháng 12/2017, Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đã bỏ phiếu bãi bỏ các điều luật về bình đẳng trên Internet được đưa ra vào năm 2015 bởi chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Điều luật này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng cần phải coi tất cả mọi gói dữ liệu được truyền đi trên mạng internet là bình đẳng.
Khi việc bãi bỏ này được thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ có quyền chặn các ứng dụng, website mà họ không thích, chặn, bóp băng thông dịch vụ của đối thủ hoặc yêu cầu người dùng trả thêm phí nếu muốn truy cập các dịch vụ này.
Phần lớn những người sử dụng Internet tại Mỹ đều ra sức phản đối quyết định này. Cụ thể, theo thống kê trước đây của FCC, 98,5% người sử dụng Internet ở quốc gia này phản đối việc bãi bỏ net neutrality. Nhưng thống kê là vậy, còn sự thật thì FCC không quan tâm đến ý kiến của người dân, và kết quả biểu quyết nội bộ đã thể hiện rõ điều đó.
3. Giới hạn lại các khu danh thắng quốc gia
Đề xuất giới hạn và giảm diện tích các khu danh thắng quốc gia của Heritage đã được ông chủ Nhà Trắng thông qua khi ông ban hành hai sắc lệnh nhằm thu hẹp đáng kể diện tích của các khu danh thắng quốc gia ở bang Utah.
Cụ thể, Trump đã ký hai lệnh thu hẹp diện tích các khu di tích Bears Ears và Grand-Escalante. Bears Ears nằm ở phía đông nam Utah, được cựu Tổng thống Barack Obama chỉ định vào năm 2016, sẽ bị cắt hơn 80% diện tích. Trong khi đó, Grand-Escalante, do cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ định năm 1996, sẽ bị cắt còn khoảng một nửa.
4. Khôi phục lại chính sách Mexico City
Sắc lệnh này nghiêm cấm việc hỗ trợ thuế cho các tổ chức quốc tế liên quan đến nạo phá thai và chấm dứt tài trợ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc. Vào ngày 23/1/2017, trong hành động đầu tiên của mình để phản đối việc phá thai, ông Trump đã ký một sắc lệnh khôi phục lại Chính sách Mexico City.
Chính sách Mexico City là một chính sách không liên tục của chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) nhận tài trợ liên bang để kiềm chế không thực hiện hoặc cổ võ các dịch vụ phá thai là một phương pháp kế hoạch hóa gia đình.
Chính sách này là một điểm nóng chính trị trong cuộc tranh luận phá thai, với chính quyền của đảng Cộng hòa áp dụng nó và chính quyền đảng Dân chủ hủy bỏ: được ban hành bởi Tổng thống Ronald Reagan năm 1984, hủy bỏ bởi Tổng thống của đảng Dân chủ Bill Clinton vào tháng 1 năm 1993, tái thiết lập vào tháng 1 năm 2001 khi Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush nhậm chức, bãi bỏ vào ngày 23 tháng 1 năm 2009, ba ngày sau khi Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama nhậm chức.
Giờ đây, chính sách này tái thiết lập vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, khi Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lên nắm quyền.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành sắc lệnh khôi phục lại chính sách
Mexico City.
5. Tăng chi tiêu quân sự
Dự thảo ngân sách của ông Trump huy động thêm 54 tỷ USD cho chi tiêu quân sự nhằm nâng cao năng lực, khả năng và sự sẵn sàng tác chiến của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.
6. Cải cách chương trình Hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình nghèo
Chương trình cải cách thuế được thông qua là một "chiến thắng lịch sử dành cho người dân Mỹ", một "món quà Giáng sinh tuyệt vời cho những người Mỹ chăm chỉ", Tổng thống Trump vui mừng.
Nội dung chính của cải cách gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, sửa đổi cách tính thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp "truyền từ đời này sang đời khác".
Tổng thống Trump tuyên bố, gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm.
7. Cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên
Ông Trump đã tiến hành khai thác ngoài khơi và trên đất liền. Bên cạnh đó ông còn ký sắc lệnh số 13783 chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ryan Zinke thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch và an toàn, đồng thời giải quyết các vấn đề về năng lượng đã cản trở phát triển kinh tế.
8. Cải cách bộ máy chính phủ
Tổng thống Trump chỉ thị cho từng thành viên trong nội các chính phủ của mình phải chuẩn bị các đề án chi tiết về kế hoạch tinh giản bộ máy hoạt động mà vẫn đảm bảo vận hành hiệu quả và thu thuế một cách phù hợp.
9. Rút khỏi UNESCO
Trong tháng 10/2017, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) – một hành động được Tổ chức The Heritage Foundation tán thành từ rất nhiều năm qua.
"Heritage là Think Tank duy nhất đề xuất việc Mỹ rút khỏi UNESCO và một chuyên gia của Heritage đã từng làm việc tại UNESCO và nhiều cơ quan khác của Liên hợp quốc là Brett Schaefer đã đưa ra những đề xuất tác động lớn đến quyết định này của chính quyền Tổng thống Donald Trump", giám đốc Trung tâm Tự do Margaret Thatcher của Heritage khẳng định.
Dù các đề xuất mà The Heritage Foundation đưa ra với chính quyền Tổng thống Trump là tích cực hay tiêu cực, những ảnh hưởng của tổ chức này đến các chính sách công của Mỹ là không thể phủ nhận. Từ đó có thể thấy các Think Tank đang đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hướng xu thế phát triển của toàn thế giới và giúp hoàn thành các mục tiêu vĩ mô thông qua những nghiên cứu, phân tích mang tính chuyên môn cao.