Để nói về tầm quan trọng của think tank, Tạp chí Tia sáng lấy ví dụ với nước Mỹ, nơi có nhiều think tank nhất trên thế giới. "Nước Mỹ dựng nước mới hơn 200 năm đã trở thành cường quốc số một thế giới về mọi mặt, điều đó chứng tỏ họ rất ít mắc các sai lầm chiến lược lớn" (Tìm hiểu về think tank, Tạp chí Tia sáng). Mặc dù câu hỏi "thế nào là sai lầm chiến lược lớn?" có thể cần được làm sáng tỏ hơn, nhưng không thể phủ nhận vai trò của think tank trong việc hoạch định các chính sách ở Mỹ.
Richard Haass, cựu Giám đốc Chính sách và Kế hoạch của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, từng nói: "Trong rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, vai trò của các think tank là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhưng lại ít được coi trọng nhất".
Hiện nay, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, dân số đông, thực trạng xây dựng kế hoạch kém, lạm dụng tài nguyên đất và nước đang tạo ra những thực tế mới đầy thách thức. Ông James G.McGann đã nhận xét như vậy trong báo cáo "2017 Global go to think tank index report" (xếp hạng think tank toàn cầu năm 2017).
Đứng trước những khó khăn mà nhân loại phải đối mặt, đặc biệt về thực phẩm và nước, các think tank phải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề này. Think tank cần giúp đỡ các chính phủ trong việc quản lý thực phẩm và nước sạch, cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác.
Ở Việt Nam, trong các think tank về kinh tế và chính sách phải kể đến vai trò của Ban tư vấn kinh tế Thủ tướng chính phủ. Tổ tư vấn này ra đời năm 1993, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi mới thành lập gọi là Tổ tư vấn cải cách. Một trong những đóng góp lớn nhất của Tổ trong thời kỳ đó là đưa ra tư vấn hệ thống cơ chế, chính sách cho nền kinh tế thị trường mà Việt Nam cần hướng tới.
Hiện nay, tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có 15 thành viên, đứng đầu là TS. Vũ Viết Ngoạn (nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).
Think tank Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng toàn cầu?
Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu của Chương trình think tank và xã hội dân sự của Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ (TTCSP) bắt đầu xếp hạng các think tank từ năm 2006. Báo cáo này nhằm thừa nhận những đóng góp quan trọng của các think tank trên toàn thế giới.
Hơn 62.000 nhà báo, nhà hoạch định chính sách, nhà tài trợ và các chuyên gia cũng đã được mời tham gia vào quá trình đề cử. Khi đánh giá và xếp hạng think tank, TTCSP đưa ra bộ 4 chỉ số: Nguồn lực, mức độ hữu dụng, sản phẩm đầu ra và khả năng tác động.
Theo đó, ở xếp loại Think tank hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có 5 đơn vị được xếp hạng, gồm:
(30) Viện Kinh tế và Chính trị Thế Giới (IWEP)
(40) Học viện Ngoại Giao Việt Nam (DAV)
(42) Viện Kinh tế Việt Nam (VIE)
(56) Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
(97) Viện Nghiên cứu châu Mỹ (VIAS)
Ở một số danh mục xếp hạng khác, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng được xếp hạng thứ 69 trong số các Think tank hàng đầu về Chính sách kinh tế Trong nước.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng được đánh giá thứ 123 trong bảng xếp hạng các Think tank hàng đầu về phát triển Quốc tế.
Viện Kinh tế và Chính trị Thế Giới (IWEP) và Học viện Ngoại Giao Việt Nam (DAV) cũng được xếp hạng lần lượt là 24 và 40 trong bảng xếp hạng các Think tank thuộc Chính phủ tốt nhất.
Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Y tế - Đại học Y Hà Nội (CHSR) cũng được xếp hạng là Think tank hàng đầu về Chính sách y tế quốc gia (thứ 24) và Think tank hàng đầu về Chính sách y tế quốc tế (thứ 23).
Trong bài viết Think tank ở Việt Nam: từ quá khứ tới hiện tại, Tạp chí Tia sáng đưa ra một số yếu tố tạo điều kiện cho sự phát triển của các tổ chức này.
Thứ nhất, sự ra đời của các nhóm lợi ích khác nhau dẫn tới nhu cầu phản ánh các mối quan tâm khác nhau. Thứ hai, sự lớn mạnh của doanh nghiệp và thu nhập tăng lên của người dân tạo nguồn lực tài chính đầu tư cho các think tank. Thứ ba, bối cảnh xã hội hiện đại đòi hỏi những điều chỉnh chính sách nhanh và hợp lý. Những điều kiện trên dường như mở ra thêm nhiều cơ hội cho các think tank mới cũng như củng cố các think tank hiện tại.