Không thể chủ quan về tình hình giá thịt lợn giảm
Theo khảo sát của tôi, mặc dù giá thịt lợn hơi ở một số miền tuy đã giảm: Khu vực phía Nam giá thịt lợn giảm dao động khoảng 80.000 - 85.000đ/kg. Nhưng tại miền Bắc, tình hình giá thịt lợn vẫn cao khoảng 90.000 - 92.000đ/kg.
Giá thịt lợn cũng chỉ bắt đầu giảm ở chợ chứ chưa giảm nhiều ở trong các siêu thị. Khi khảo sát Lotte Tây Sơn, tôi thấy thịt lợn tại đây vẫn ở mức rất cao. Sườn thăn có giá 240.000đ/kg. Rõ ràng cho thấy giá thịt lợn ở siêu thị lên giá chậm và xuống chậm.
Mặt khác, hiện tại vẫn chưa đến thời điểm thời vụ của thịt lợn. Phải từ 23 tháng Chạp trở đi cho đến 28 Tết thì giá thịt mới bắt đầu rộ lên, đến lúc đó mới có thể biết giá cả thực tế của thời điểm đó được. Quan trọng phải điều hành nguồn cung như thế nào.
Về nguyên nhân giá lợn tăng sốc, theo quan điểm của tôi một phần là do dịch lợn trong năm. Mặt khác cũng do chính hệ thống phân phối yếu kém qua nhiều khâu trung gian quá. Tức là các tiểu thương không mua được sản phẩm trực tiếp của CP và Marvin…. cho nên họ phải qua thương lái và bị đẩy giá lên.
Ngoài ra, theo phản ảnh của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và một số đơn vị mua lợn, cần phải gửi giá mới có lợn ngay để giết mổ và bán ra thị trường. Đây là hiện tượng găm hàng gián tiếp đẩy giá lên khi trong tay của họ có một lực lượng lợn hơi áp đảo thị trường, Cục Chăn nuôi của Bộ Nông nghiệp cũng ghi nhận tình hình này.
Bên cạnh đó, mặc dù nước ta cũng nhập thịt ngoại nhưng số lượng không đáng kể và cũng do tập quán tiêu dùng của người dân chủ yếu thích ăn thịt tươi, chính vì vậy việc nhập khẩu thịt lợn tuy có để ra nhưng hiệu quả không cao, gây tác động lớn đến thị trường thịt đang nóng bỏng hiện nay.
Mặc dù tình hình những tập đoàn chăn nuôi lớn phía Nam có hiện tượng găm hàng là vậy, nhưng chỉ sau 1 hôm sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì lập giá thịt lợn hạ ngay xuống được 1.000đ/kg.
Vậy nếu như không có chỉ đạo của Chính phủ thì liệu những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi có giảm giá hay không? Và sau đó một số ngày thì giá thịt lợn hơi trên thị trường, nhất là ở phía Nam cũng đồng loạt xuống giá, "sức mạnh" của các ông lớn là như vậy.
Theo tôi thấy, rất có thể từ giờ đến Tết, nếu chúng ta không cẩn thận thì có khả năng lại xảy ra tình trạng giá thịt lợn bị đẩy lên một vài giá nữa. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, đây là giai đoạn tạm thời lắng xuống của trận đánh sau đó có thể lại bùng lên
Áp lực cho lạm phát
Câu chuyện thứ hai mà tôi cần nói ở đây đó chính là khi thịt lợn tăng giá thì dẫn đến giá của các mặt hàng khác cũng tăng. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng: Bắt đầu từ ngày 23 đến 29 Tết thì các mặt hàng như hoa quả cao cấp, rau cỏ, súp lơ, thủy hải sản tươi sống ngoài thị trường đều tăng giá từ 15 - 30% vì những mặt hàng này ở siêu thị không có nhiều hoặc không có.
Trong Hội thảo của Bộ tài chính vừa tổ chức mới đây, tôi có tham gia và cũng đã bàn luận vấn đề là "lo cho người nghèo là chính", bởi thịt lợn là nhu cầu thiết yếu của mọi người nhất là người nghèo.
Đa số dân chúng ta vẫn còn thu nhập thấp, chính vì vậy, giữ ổn định giá thịt lợn và những mặt hàng thiết yếu là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp kinh doanh vì quyền lợi của người tiêu dùng xã hội.
Về việc giá thịt lợn cũng như giá các thực phẩm đều tăng gây áp lực lên lạm phát, bản thân tôi và nhiều chuyên gia khác cũng đã dự đoán, tình trạng lạm phát có thể sẽ xảy ra vào quý I/2020 và khả năng CPI rơi vào khoảng 2,5 - 3%, còn đến các quý khác thì tình trạng này có thể sẽ giảm dần.
Theo Quốc Hội mục tiêu CPI cả năm là dưới 4%, có thể là 3,5% đến 3,8% hoặc 3,9%. Chính vì vậy, phải đẩy mạnh các yếu tố do chủ quan điều hành giá cả của chúng ta ở thị trường nội địa là chính, đồng thời khắc phục những yếu tố ngoại lai tác động đến giá cả tiêu dùng ở nước ta trong từng thời kì.
Riêng về vấn đề bình ổn giá thịt lợn, tôi đã đề xuất ra 2 giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng tăng giá thịt lợn này.
Thứ nhất là cần phải nắm rõ nguồn cung và kiểm soát được giá của các ông chăn nuôi lớn. Thứ hai là phải tổ chức phân phối rộng khắp, từ chợ đến siêu thị.
Về lâu dài chúng ta cần phải tổ chức sản xuất và tái đàn. Nhưng không nên cho những hộ nhỏ lẻ quá tái đàn vì nếu xảy ra tình trạng phát sinh dịch thì sẽ mất hết. Còn đối với các trang trại lớn thì nên khuyến khích chính sách tái đàn...
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có các biện pháp cụ thể. Phải nắm được lực lượng và điều hành được quỹ hàng hóa một cách có hiệu lực khi có những biến động không có lợi cho giá cả thị trường. Chúng ta cần phải học tập các nước khác về vấn đề dự trữ thịt. Vì nếu chẳng may 1 năm xảy ra 1 vài lần dịch như thế thì sẽ không có đủ nguồn cung cấp để tung ra một cách kịp thời làm dịu bớt giá cả của thị trường.
https://lotus.vn/w/post/663682459340349440.htm