Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019. Tính chung quý 4/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý 4/2019.
Cụ thể, theo số liệu vừa mới công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước. Có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu có CPI 12 tăng so với tháng trước gồm nhóm giao thông, nhóm may mặc, nhóm đồ uống và thuốc lá, nhóm giáo dục và nhóm thuốc y tế,..
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm văn hoá giải trí - du lịch, nhóm vật liệu xây dựng,...
Tính chung quý 4/2020, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý 4/2019, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,23% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục tăng 3,82%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,26%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,79%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,54%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,51%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,2%.
Ba nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là giao thông giảm 12,82%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 2,28%; bưu chính viễn thông giảm 0,55%.
Như vậy, CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với bình quân năm 2019, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%. CPI tháng 12/2020 tăng 0,19% so với tháng 12/2019, là mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân năm 2020 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Giá các mặt hàng lương thực tăng 4,51% so với năm trước (làm CPI chung tăng 0,17%), trong đó giá gạo tăng 5,14% do giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 12,28% so với năm trước (làm CPI chung tăng 2,61%), trong đó riêng giá thịt lợn tăng 57,23% (làm CPI chung tăng 1,94%); Giá thuốc và thiết bị y tế tăng 1,35% do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu về mặt hàng này ở mức cao; Tiếp tục thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục năm 2020 tăng 4,32% so với năm 2019.
Bên cạnh đó có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020: Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 23,03% so với năm trước (làm CPI chung giảm 0,83%); Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá của nhóm du lịch trọn gói giảm 6,24% so với năm trước; giá cước vận tải của các loại phương tiện như tàu hỏa, máy bay giảm; Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 như gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng nên giá điện tháng 5 và tháng 6 năm nay giảm lần lượt là 0,28% và 2,72% so với tháng trước; Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bảo đảm cân đối cung cầu và ổn định thị trường.
Lạm phát cơ bản tháng 12/2020 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12/2020 giảm 0,83% so với tháng trước; tăng 30,95% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 tăng 28,05% so với năm 2019.
Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12/2020 giảm 0,23% so với tháng trước và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm 2019; bình quân năm 2020 giảm 0,02% so với năm 2019.