Bước ngoặt xuất khẩu này diễn ra từ hồi tháng 5/2018 nhưng đến nay Tập đoàn Mavin (doanh nghiệp Việt có vốn đầu tư Australia) mới tổ chức lễ công bố.
Ông Đào Mạnh Lương, CEO Tập đoàn nói rằng cần có sự kỹ lưỡng trong từng khâu. Thời điểm này, container 40 feet, tương đương 26 tấn đã được các siêu thị tại Myanmar bán hết. Dự kiến trong thời gian tới, mỗi tháng, tập đoàn này, sau khi hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) sẽ xuất 1 container thịt heo sang Myanmar.
Theo ông Lương, thịt heo Việt xuất sang Myamar rất "được giá". Đối với lô hàng hồi tháng 5, giá trung bình cao hơn 15% so với giá trung bình quốc tế. "Việt Nam có lợi thế lớn. Thịt tuy xuất ở dạng đông lạnh nhưng thực tế lại là thịt làm mát, do đó, giá bán cao hơn giá thịt được nhập từ Tây Ban Nha về Myanmar", ông Lương nói.
Nói với Trí Thức Trẻ, CEO Mavin cho biết quy định về thịt heo ở Myanmar không quá nhiều khác biệt so với Việt Nam, đặc biệt là quy định về thú y.
"Chúng tôi đã làm việc với các đối tác ở Việt Nam và đưa ra các chứng nhận về an toàn dịch bệnh. Chứng nhận này sau đó được kiểm định bởi các cơ quan uy tín tại Việt Nam rồi gửi sang Myanmar và được tái kiểm tra thông qua các cơ quan độc lập tại đây", ông Lương nói và cho biết Tập đoàn đã mất gần 1 năm để xuất được hàng sang Myanmar.
Thị trường Myamar được ông Lương nhận định chỉ là mốc tham chiếu cho các doanh nghiệp cùng ngành.
Nghĩa là các doanh nghiệp này hoàn toàn có thể xuất khẩu hàng đi được ngay cả khi chính phủ hai nước chưa ký các quy định về thú y, an toàn thực phẩm... Tham vọng của Tập đoàn Mavin là xuất khẩu thịt heo đi thị trường thế giới. Ông Lương nói rằng tập đoàn đã làm việc với một số đối tác để chọn thêm 3 thị trường, ngoài Myanmar. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ cụ thể.
Thị trường Australia về dài hạn cũng là mục tiêu xuất khẩu của Mavin. Nhưng thay vì thịt lợn đông lạnh, ông lương cho biết tập đoàn muốn xuất khẩu thịt chế biến mang hương vị đặc thù Việt Nam. CEO Mavin đánh giá Australia là thị trường rất tiềm năng bởi quốc gia này có một lượng lớn người Việt sinh sống.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Vũ Văn Tám gọi lần xuất khẩu này là một tin vui đối với ngành nông nghiệp. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nông nghiệp đang trong thời kỳ tái cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững.
Ông Tám cho biết năng lực sản xuất chăn nuôi của Việt Nam hiện cung đã vượt quá cầu, dẫn đến hiện tượng dư thừa, đơn cử như vụ việc "giải cứu" lợn năm 2017. Do đó, để khắc phục được điều này, cần phải tìm lối đi mới cho ngành chăn nuôi.
Trước đó, năm 2017, Việt Nam cũng đã xuất khẩu thành công thịt gà sang thị trường Nhật Bản, và nay là thịt lợn tươi, vốn có quy mô chăn nuôi chiếm đến 60% toàn ngành.
"Chúng ta đã xuất được lợn sữa sang Hong Kong, Malaysia... nhưng với thịt lợn tươi đây là lần đầu tiên làm được. Là thành công rất lớn", Thứ trưởng Tám nhấn mạnh và cho biết Bộ cũng đã ký thỏa thuận với tổ chức thú y thế giới để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi sản xuất theo chuỗi đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu.