Cuối tháng 4 khi Hà Nội chớm hè cũng bắt đầu mùa sấu; qua những con đường sấu cổ thụ như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Phú,… dễ bắt gặp các thợ trèo sấu ngồi hai bên đường bán thành quả vừa được trẩy từ trên cây.
Nghề kiếm tiền trên ngọn cây
Video: Thợ trèo sấu Hà thành
Ngồi bệt trên vỉa hè đường Phan Đình Phùng đoạn di tích Cửa Bắc, dùng bàn tay đen sạm vẫn còn dính lá và nhựa sấu quệt vội mồ hôi trên trán, anh Ng… (35 tuổi, nhà ở gần cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa) đon đả mời khách: “ Bà ơi mua sấu đi ạ, sấu tươi 40.000 đồng/ kg, sấu đầu mùa nên hạt vẫn còn trắng, bà thoải mái thử nhé…30.000 đồng/kg con không bán được đâu ạ, bà thông cảm...”
Sau một hồi ngã giá và cân xong 2 kg sấu quả cho khách, anh Ng... quay sang tiếp chuyện tôi, anh bảo: “Hầu hết mọi người trẩy sấu ở đây đều ở Thanh Hóa ra cả, như anh kia (chỉ tay về người bán sấu cách đó 2 gốc cây) tên H sinh năm 1985 nhà ở biển Hải Tiến. Cứ khoảng cuối tháng 4 là chúng tôi bắt xe ra Hà Nội và ở đây đến khi hết mùa sấu thì lại về.
= |
Các đội trèo sấu sẽ phân chia khu vực để “hoạt động” nhưng thường tập trung ở các con đường nhiều cây sấu lớn như Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, bờ hồ Hoàn Kiếm và Trần Phú. Buổi sáng sẽ bắt đầu trẩy sấu lúc 5h tránh lúc nhiều người qua lại, cũng có khi hết hàng cho khách thì phải trèo cây giữa trưa và trẩy cây nào thì phải trẩy hết cây đó. Một đội thường gồm hai người, khi một người trèo cây lấy sấu thì người còn lại sẽ ngồi bán trên đường, sau đó thay ca nhau kể cả ăn uống cũng vậy”.
Thu nhập hơn trăm triệu mỗi mùa sấu
Hỏi anh Ng... là các cây sấu ở Hà Nội hầu hết đều đã lớn tuổi và rất cao trong khi thân sấu lại thẳng đuột và trơn thì làm sao mà trèo được, anh Ng... cười rồi nói: “Nếu cây bình thường, không quá cao và quá thẳng thì chúng tôi trèo dễ dàng nhưng nếu cây nào khó trèo quá thì phải dùng thang dây. Một số cây tán quá rộng thì người trèo sấu phải dùng gậy móc sấu mới hái được nhưng lại dễ làm gẫy cành, điều này thì tùy đội còn chúng tôi không bao giờ làm vậy.
Đặc biệt nếu ngày mưa thì các đội trèo sấu đều nghỉ vì lúc này lên cây rất nguy hiểm; lực lượng chức năng cũng thường xuyên nhắc nhở, xử phạt vì lo chúng tôi ngã chứ sấu người ta đâu có giữ làm gì. Biết là cũng nguy hiểm nhưng làm thế nào được, mưu sinh mà, với lại sấu nhiều thế này mà không trẩy rồi cũng già rồi rụng hết, phí lắm.
Giá sấu non năm nay mà các đội bán dao động từ 40 -50.000 đồng/kg, tùy mẫu mã quả và thái độ khách, nếu muốn mua sấu về để làm hàng quán với số lượng lớn thì sẽ bán giá “mềm” hơn một chút. Trung bình một ngày mỗi đội bán được khoảng 30 – 50kg sấu tươi vị chi là được khoảng 1.500.000 đồng – 3.000.000 đồng, nhưng đây là tính chung chung thôi, cũng có ngày được nhiều, ngày ít và hôm mưa không trèo cây được. Do đó, mỗi vụ sấu (gần 3 tháng) tôi cũng được hơn 100 triệu đồng mang về. Nhưng làm nghề này mệt lắm”.
Trích thơ “Hà Nội mùa này sấu chín chưa em?” của Lê Giang. |
(Theo Tiền phong)