Thời gian đang trôi về những tháng cuối năm nhưng có thể thấy nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước vẫn còn rất nặng nề tại một loạt doanh nghiệp lớn như Petrolimex, Vinatex, Lilama, Viglacera, Vinapharm... Theo ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, hiện SCIC tiếp tục quá trình thoái vốn 140 doanh nghiệp. trong đó có 10 doanh nghiệp lớn như VNM, Bảo Minh, Dược Hậu Giang…
Trong khi đó, từ nay đến 2020, Chính phủ chủ trương tiếp tục tái cơ cấu các Tổng công ty và DN nhà nước, thu gọn lại danh mục DNNN mà nhà nước đang nắm giữ vốn, thoái vốn các DN đã cổ phần hoá lần đầu...
Thời hạn thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn đang gần kề
Trao đổi với NDH, ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường – CTCK BIDV (BSI) cho rằng để nhận định thoái vốn Nhà nước có còn là động lực cho thị trường tăng trưởng nữa hay không cần đặt trong bối cảnh cung và cầu ở từng thời điểm. Năm trước, dòng vốn nước ngoài vào nhiều trong khi không có nhiều lựa chọn trên sàn nên khi các đợt IPO và bán vốn đầu năm 2018 được thị trường hấp thụ tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, dòng tiền nước ngoài chững lại thì việc Nhà nước cung hàng ra ồ ạt có thể gây tác động ngược lên thị trường.
Đồng thời, bản thân Nhà nước cũng đang dừng quá trình thoái vốn lại để xem xét trên nhiều yếu tố như cần quy định lại các hình thức thoái vốn, định giá hay đánh giá tài sản doanh nghiệp...
"Quá trình xem xét nhằm đảm bảo vốn Nhà nước không bị thất thoát nhưng làm chậm lộ trình. Về lâu dài, thoái vốn Nhà nước vẫn là động lực tăng trưởng nhờ thúc đẩy thị trường minh bạch hơn, tạo cơ hội cho tư nhân hay thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài hơn”, ông Khoa kết luận.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế MBS chia sẻ để thị trường tăng điểm thì cần 3 yếu tố quan trọng là (1) vĩ mô ổn định, (2) lợi nhuận doanh nghiệp gia tăng, (3) quy mô cùng thanh khoản thị trường gia tăng thu hút nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Xét về dài hạn thoái vốn Nhà nước luôn là động lực cho thị trường tăng điểm. Nhưng trong ngắn hạn, nếu hoạt động thoái vốn Nhà nước diễn ra dồn dập có thể ảnh hưởng đến thị trường chung.
Tâm điểm thoái vốn có thể là ngân hàng và viễn thông
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc phân tích CTCK KB Việt Nam (MSI) cho rằng thoái vốn Nhà nước vẫn là động lực nhưng tùy ngành nghề và câu chuyện. So với cùng kỳ năm trước, vấn đề thoái vốn bị chùng xuống do thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh, các yếu tố tích cực của thời gian trước đã được phản ánh vào đà tăng thị trường năm 2017 kéo đến quý I/2018. Tuy sự quan tâm của thị trường giảm đi, nhưng sắp tới đây vẫn có những câu chuyện sẽ đón nhận được sự quan tâm khi vấn đề thoái vốn được hâm nóng lại.
“Dòng tiền có sẵn sàng tham gia vào đợt thoái vốn Nhà nước hay không tùy thuộc vào điều kiện vĩ mô và đà tăng trưởng của thị trường. Năm 2017 và đầu 2018, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà các quỹ nội cũng tham gia nhiều vào các đợt bán bốn Nhà nước ở nhóm dầu khí, hàng không và điện thì thời gian tới tâm điểm có thể là nhóm ngân hàng và nhóm viễn thông”, ông Bình cho biết.
Việc thị trường có đủ khả năng hấp thụ lượng hàng Nhà nước tung ra hay không, ông Tuấn nhận định điều này phụ thuộc vào mức giá chào bán. Đồng thời, nhu cầu đầu tư vào Việt Nam của nước ngoài và tư nhân trong nước vẫn rất cao nên khi Nhà nước thoái vốn các doanh nghiệp có chất lượng thì luôn nhận được sự quan tâm. Thời điểm hiện tại, dòng tiền không còn dồi dào nên Nhà nước cần cân nhắc việc đưa mặt hàng nào lên thị trường để thu hút vốn đầu tư, tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng.