Bên cạnh thông tin tích cực cho cổ đông của hai công ty trên thì Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM (HOSE) cũng quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Mã chứng khoán: PTL).
Đối với trường hợp PTL, theo BCTC soát xét 6 tháng năm 2017, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất là -36,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 30.06.2017 là -178,689 tỷ đồng.
Đồng thời, công ty kiểm toán Deloitte có đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc thoái vốn CTCP Đầu tư dầu khí Thăng Long với “giá trị tầng hầm để xe công trình Chung cư cao tầng Mỹ Phú, khoản thu tiền phạt do chậm tiến độ thi công và khoản bù trừ công nợ đối với khoản phải thu CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn”.
Căn cứ BCTC Hợp nhất kiểm toán năm 2017 của PTL, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017 là -62,83 tỷ đồng và vẫn còn vấn đề ngoại trừ, nhấn mạnh đã tồn tại trước đây. Do đó, tham chiếu khoản 4.2 Điều 23 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE ban hành kèm theo Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM ngày 19.03.2018, SGDCK tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu PTL và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo khi có BCTC Hợp nhất soát xét bán niên năm 2018 của Công ty.
Công ty Cổ phần Thuỷ sản số 4 đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 20.04.2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp theo Báo cáo kiểm toán năm 2016 đều âm lần lượt là -4.457.198.532 đồng và -6.644.357.472 đồng.
Sang năm 2017, do ổn định được giá nguyên liệu đầu vào vì có vùng nuôi trong khi giá bán tăng cao nên lợi nhuận TS4 tăng trưởng tốt. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của cổ đông công ty mẹ là 5.119.342.711 đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đên 31.12.2017 là 11.753.394.970 đồng.
Do đó, cổ phiếu của công ty được đưa ra khỏi diện cảnh báo theo quy định tại khoản 4.1 và 4.2 điều 22 Quy chế niêm yết chứng khoán tại HOSE. Mặc dù vậy, mới đây Công ty Cổ phần Thủy sản số 4 cũng vừa công bố kết luận Thanh tra Thuế của Cục Thuế TP. HCM với số tiền truy thu và phạt tổng cộng hơn 15 tỷ đồng, cùng số tiền thuế thu hồi hơn 13 triệu đồng do kê khai không chính xác một số khoản thuế và chi phí.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (cổ phiếu TTF) thì vừa “thoát hiểm trong gang tấc” khi đầu năm 2017 không chỉ bị đưa vào diện “kiểm soát đặc biệt” mà còn đứng trước nguy cơ huỷ niêm yết nếu kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 2017, lợi nhuận sau thuế của công ty Gỗ Trường Thành đã “dương” trở lại đồng thời công ty cũng đã nâng vốn điều lệ thành công dẫn đến lỗ luỹ kế thấp hơn vốn điều lệ nên được ở lại sàn HOSE. Không chỉ vậy, Gỗ Trường Thành còn được “nâng hạng” từ kiểm soát đặc biệt lên kiểm soát đồng thời được giao dịch cả ngày từ ngày 19.04.2017 cho thấy HOSE không còn quan ngại về việc cổ phiếu này ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Tiếp theo cổ phiếu TTF được chuyển từ diện kiểm soát lên diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ là 10,73 tỷ đồng mặc dù vậy công ty vẫn còn khoản lỗ luỹ kế 1.406,8 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho trước đây.
Thoát khỏi diện kiểm soát, Gỗ Trường Thành có quay lại vị trí top đầu như ngày xưa (Ảnh: IT)
Tuy nhiên, Gỗ Trường Thành cũng ghi nhận nỗ lực giảm nợ vay, giảm chi phí lãi vay, nâng vốn điều lệ thành công đồng thời tái cơ cấu các khoản đầu tư dài hạn. Ngày trở lại vị thế top đầu về gỗ xuất khẩu của công ty sẽ không xa khi Gỗ Trường Thành công bố phương án giải quyết gỗ tồn kho, đưa thị giá cổ phiếu về thời 4x như trước kia.
Với những diễn biến tích cực trên, liệu rằng bộ đôi vừa được “nâng hạng” TS4 và TTF sẽ có những phiên giao dịch tăng trần như trường hợp Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật trước đây?
Chốt phiên giao dịch ngày 17.4, cổ phiếu TTF đứng giá 5.310 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu TS4 đứng giá 7.740 đồng/cổ phiếu.