Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người e cách núi sông. Chúng ta phải tính cách mở con đường mới để kết nối nông sản từ ruộng vườn ra thị trường.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản diễn ra trong bối cảnh yêu cầu mở đường tiêu thụ cho nông sản bị ách tắc bởi đại dịch Covid-19 đang rất cấp bách.
Lập bản đồ số nông nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, lần đầu tiên ông ra Hà Nội thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại Thủ đô, nói trực tiếp với 63 đầu cầu. Từ đó có thể thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi.
"Hôm nay chúng ta chính thức mở con đường mới, với đầu nguồn là Tổ công tác 970. Con đường mới này khẳng định ngành nông nghiệp sẽ chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế xác định từ thị trường chứ không phải xác định từ khâu sản xuất. Bởi thị trường quyết định và điều chỉnh luôn phần sản xuất kinh doanh nông sản. Công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp. Chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp”, Bộ trưởng nói.
Theo ông, trước chúng ta bán cái chúng ta làm ra được, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trước chúng ta bán cái mình có, nay phải bán cái thị trường cần (ảnh: BH) |
Theo Bộ trưởng, thị trường chỉ đáp ứng được khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà, nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp.
Ông nhận định, nền nông nghiệp sở dĩ bị đứt gãy là do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 chỉ là tác động ở một thời điểm. Còn bình thường, đứt gãy lâu nay vẫn lặp lại có tính chất chu kỳ, mà chúng tay hay dùng từ "giải cứu" thanh long, hành tím, xoài, dưa hấu,... vì mù mờ về thông tin, về tích hợp giữ liệu.
Thông qua diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN-PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.
“Diễn đàn là nơi để khớp nối dữ liệu cung - cầu giống như khớp nối lệnh của thị trường chứng khoán. Lúc đó sẽ quyết định ra được thị trường”. Ông cho rằng, đây là không gian giao dịch thương mại để kết nối giữ hai đầu cung - cầu, giống như những sàn giao dịch thương mại điện tử thời gian qua.
Bên cạnh đó, nó còn giúp cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Bộ NN-PTNT định hình lại chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất tới phân loại bảo quản, sơ chế, chế biến, logistics cho đến thị trường. Nói dễ hiểu, nó như là một “bản đồ số nông nghiệp” để khi nhìn vào vào sẽ biết tắc ở chỗ nào.
Mới đây, tổ điều hành cũng xây dựng website về thương mại nông sản như “chợ online”, qua đó kết nối nông dân với thị trường, giữa bên bán và bên mua. Cùng với đó, xây dựng Triển lãm nông sản ảo để người dân có thể tham dự triển lãm trên không gian 3D, 4D để tìm hiểu thông tin chất lượng, mẫu mã sản phẩm nông sản.
“Tổ điều hành cũng sẽ ứng dụng công nghệ số để quản trị thông tin nông sản, bản đồ nông sản, cập nhật dữ liệu về sản lượng, giá cả nông sản, nhất là quản lý dữ liệu vùng trồng. Đây là tham vọng mà Cục Trồng trọt đã tính toán và có khát vọng làm sao để có dữ liệu nông sản các vùng miền, vùng đất, vùng trồng để đưa ra nhận định, đánh giá, tổng hợp”, ông Thạch nói.
Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ giúp người bán gặp người mua (ảnh: TL) |
Phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online
Để kết nối thành công, theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cần có bộ khung quy tắc về liên kết chuỗi cho từng sản phẩm ngành hàng cụ thể. Khi đó, chọn ra các doanh nghiệp đầu tàu trong ngành để hưởng ứng.
Thêm nữa, phải chọn các sản phẩm rồi đặt ra hạn ngạch, tỷ trọng và rà soát quy hoạch vùng, địa phương có lợi thế, phù hợp năng lực sản xuất cho từng sản phẩm, ngành hàng từ giống đến nuôi trồng, quy hoạch, lưu trữ, chế biến, thương mại, ông gợi ý.
Ông Hoàng Văn Duy - Tổng giám đốc Mekong Sea Food Group - cho hay, thông qua liên kết với Tổ công tác 970, công ty đã chốt được khoảng 300 tấn thực phẩm. Song, ông đề nghị được kết nối thêm với các cơ sở có năng lực, nguyên liệu đầu vào ổn định, đáp ứng sâu hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường.
Trên diễn đàn kết nối, ông Duy lưu ý cần thông tin thông suốt giữa cung - cầu, nhằm giúp những đơn vị có nhu cầu lớn sớm chốt đơn, đồng thời minh bạch đơn giá, tăng tính cạnh tranh, giảm những liên kết nhỏ lẻ với từng HTX, đơn vị sản xuất.
Là doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Coop), khẳng định sẽ thu mua, kết nối với các vùng nguyên liệu ở các địa phương.
Theo ông Đức, hiện có rất nhiều hình thức phân phối hàng hoá. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này. Tức phát triển sản phẩm nông sản phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói để việc kết nối được hiệu quả hơn.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu cần bắt tay sớm vào công việc. Nhiệm vụ sắp tới không chỉ dừng các kết quả ở miền Nam, không thể hài lòng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, mà cần nhân rộng mô hình ra cả nước. Từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản.
"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tâm An