Bén duyên với bất động sản từ năm 2015, khi thị trường đã dần phục hồi và ấm dần, anh N. (Gia Lâm, Hà Nội) thừa nhận, chưa bao giờ chứng kiến thời của cơn sốt đất cùng diễn biến đầy lạ lùng như vậy.
Anh N. kể, cách đấy hơn 1 tháng, anh rao lô đất 70m2, ô tô đi vào, khuôn đất vuông vắn ở khu vực Gia Lâm với mức giá 50 triệu đồng/m2. Do cần tiền nên anh quyết định bán lô đất này. Anh N. cũng cho hay, mức giá 50 triệu đồng/m2 thực tế dựa trên mức giá chung của thị trường. Trước đây, anh chỉ mua lô đất này có giá 42 triệu đồng/m2.
Đăng tải trên các kênh thông tin bất động sản nhưng 1 tháng sau, anh N. vẫn chưa tìm được khách chốt. Thế nhưng, điều khiến anh N. bất ngờ nhất đó là lô đất của hàng xóm bên cạnh lại được rao bán với giá 100 triệu đồng/m2.
"Tôi có phần hơi sốc một chút. Vì lô đất hàng xóm không đẹp bằng lô đất nhà tôi. Vị trí bị tụt sâu bên trong, không thoáng. Hình thức lô đất không được vuông vắn. Nhưng giá tăng tận gấp đôi. Tôi tìm hiểu xung quanh khu vực này, không thấy có thông tin gì để tạo sốt đất. Ví dụ như thông tin Gia Lâm lên quận thì đã xuất hiện từ rất lâu. Đường xá xung quanh chưa có thông tin quy hoạch cải thiện mới. Ngay cả dự án mới xuất hiện cũng không thấy có. Không hiểu vì sao giá đất lại tăng mạnh đến như vậy", anh N. cho biết.
Cũng theo nhà đầu tư này, thông thường giá đất tăng cao dựa trên những thông tin tốt như: dự án chuẩn bị xuất hiện, quy hoạch mở đường, cải tạo đường, huyện lên quận hoặc thị xã lên thành phố… Anh N. thừa nhận, quá trình khảo sát thị trường, giá bất động sản có lúc tăng ảo, gấp 3, thậm chí gấp 5. Nhưng giá tăng đều theo quy luật chung, đó là dựa trên một thông tin tạo sóng có thực. "Điều tôi thấy lạ là chỗ tôi, giá đất tăng mà không biết lý do là gì? Trong khi tôi bán 50 triệu đồng/m2 mà chưa có khách chốt. Hàng xóm bán tận 100 triệu đồng/m2".
Chia sẻ về câu chuyện đất tăng không dựa trên cơ sở có thực, ông N.M.H (lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản) cho rằng, thời điểm 2008-2009, bất động sản cũng từng tăng ảo như vậy. Tất cả mọi động thái đều khiến cho giá đất tăng bất ngờ, tăng vô lý. Thời của sốt ảo là giá đất cứ phát ra thật cao, không quan trọng thị trường cầu thế nào, người mua có thực không.
Theo ông H, trước đó, một lô đất ở Sóc Sơn từng tăng tới 5 lần chỉ dựa trên thông tin đường Vành đai 4 sẽ làm. Việc tăng giá vượt giá trị thực hiện tại xảy ra nhiều khu vực. Tuy nhiên, hệ quả đó là khi thị trường biến động, giá sẽ bị sụt giảm.
Báo cáo thị trường của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam ghi nhận, giá bất động sản liên tục tăng bất chấp dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá bất động sản tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Bất động sản Việt Nam cho hay, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Vị chuyên gia này cũng thừa nhận, nguồn cung đang rất khan hiếm, nắm được tình trạng này nhiều môi giới, đầu cơ cứ tiếp tục đẩy giá lên, nhưng nhiều chỗ đẩy giá quá cao sẽ không có người mua. Song, những người có nhu cầu ở thực đều tìm kiếm những khu giá cả hợp lý, chủ đầu tư uy tín. Do đó, những dự án đáp ứng được tiêu chí về giá cả, pháp lý thì vẫn sẽ có thanh khoản tốt.