Năm ngoái, Goertek - công ty chuyên mặt hàng tai nghe không dây, sản xuất Airpod cho Apple đã trở thành chuỗi cung ứng đầu tiên chuyển khỏi Trung Quốc và mở rộng hoạt động sản xuất ở Việt Nam với cơ sở vật chất được đầu tư 260 triệu USD. 6 nhà máy trên khu đất 18.000 m2 trải khắp khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh, cách Hà Nội một giờ ô tô về phía Bắc. Ở đó, hàng xóm của Goertek có nhà máy của Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan).
Chỉ mới tháng trước, Brooks Sport - thương hiệu giày chạy của tỷ phú Warren Buffett đã chuyển bớt sản lượng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty nội thất Thụy Điển Ikea cũng đã hợp tác với nhà cung ứng từ Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc.
Nhờ vị trí địa lý sát sườn Trung Quốc, lao động giá rẻ, tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại và những nỗ lực tự do hóa nền kinh tế, Việt Nam đã hưởng được những lợi ích nhất định từ căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. FDI vào Việt Nam những tháng đầu năm đã tăng gần 70% so với cùng kỳ, đặc biệt là trong những lĩnh vực thâm dụng lao động như điện tử, đồ nội thất và may mặc. Đầu tư vào ngành dệt may đã đạt thặng dư 17,5 tỷ USD năm 2018 so với 15,9 tỷ USD năm trước đó. Ngành này chiếm hơn 7.000 doanh nghiệp ở Việt Nam với hơn 2,5 triệu lao động.
"Chiến tranh thương mại có thể nói là có lợi cho chúng tôi" - bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Tháng trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, trị giá gần 200 tỷ USD. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp thuế 60 tỷ USD lên hàng Mỹ. Ông Trump mới đây còn đe dọa sẽ tăng thuế lên 300 tỷ USD.
Nhưng sự thật là, dù đã tăng trưởng cao, 7,08% trong năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam mới chỉ đạt 240 tỷ USD, bằng một nửa so với Thái Lan. Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tâm lý "bài Tàu", phải nhập khẩu nguyên liệu thô, tất cả những yếu tố đó đã khiến Việt Nam bộc lộ một vài yếu điểm. Nhân lực trình độ cao của Việt Nam vẫn chưa đủ lượng cần thiết để đáp ứng chuỗi sản xuất mới, dù giá chỉ là 300 USD một tháng - bằng một nửa công nhân Trung Quốc.
"Bạn có thể thấy là chi phí sẽ giảm, nhưng có vẻ như chất lượng thì chưa được đảm bảo" - ông Maxfield Brown, cố vấn tại công ty tư vấn "Dezan Shira & Associates" - hỗ trợ việc thành lập doanh nghiệp khu vực ASEAN cho biết.
Ông Lê Duy Anh - giám đốc công ty nội thất Xuân Hòa nói với The Straits Times: "Trung Quốc có chuỗi cung ứng tốt hơn nhiều, có thể tác động lớn đến chất lượng sản phẩm. Nếu để so sánh, Việt Nam có lợi thế giá lao động còn Trung Quốc có lợi thế trình độ lao động". Ông cũng cho biết công ty đang sản xuất ghế ô tô cho Toyota và hợp tác với Ikea.
Việc phải nhập nguyên liệu thô cũng sẽ dẫn đến rủi ro tỷ giá. Xuất khẩu giày thể thao, quần áo và các sản phẩm may mặc khác cần phải tăng 10% để đạt mục tiêu 40 tỷ USD, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa Việt Nam phải nhập khẩu 6 triệu tấn vải spun, gấp 3 lần năng lực hiện tại của Việt Nam. "Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn với chúng tôi, vì chúng tôi không có đủ nguyên liệu và sẽ phải nhập khẩu" - bà Nguyễn Thị Hồng Thu nói.
Cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Nam chưa hoàn thiện, cả cao tốc Bắc Nam và các đường vành đai xung quanh TPHCM. Việt Nam xếp hạng thứ 45/160 trong khảo sát logistic của Ngân hàng Thế giới, trong khi Singapore xếp thứ 7 và Trung Quốc đứng hạng 27.
Đường sắt Cát Linh đội vốn lớn nhưng mãi vẫn không đi vào hoạt động, kể từ năm 2008 khi khởi công, đến nay đã là 11 năm. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải thích: "Khi tiến hành, chúng tôi thấy rằng nhà thầu này xây dựng đường sắt rất tốt nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm. Còn nguyên nhân dự án chưa vận hành, thiết bị đã cung cấp được 99%, các hạng mục đã xong 99%. 1% còn lại là còn một số hạng mục nhỏ trong công tác xây lắp và chứng minh an toàn hệ thống".
Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong vòng 10 năm qua, riêng trong ngành may mặc đã tăng gấp đôi. Nhưng bà Thu cho biết, đầu tư từ Trung Quốc thường đi kèm với những rủi ro lớn về môi trường. "Họ không đầu tư cơ sở vật chất nhiều, họ cứ thế là nhảy vào thôi".
Bà Lê Thu Hương - Viện chính sách chiến lược Úc lại có cái nhìn lạc quan hơn: "Các công ty Trung Quốc kỳ vọng cao vào Việt Nam, dù có chiến tranh thương mại hay không, Việt Nam cũng có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và ngoại giao tốt đẹp với cả Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam - quốc gia 95 triệu dân sẽ thắng, dù quan hệ Trung - Mỹ có đóng băng đi chăng nữa. Tôi lạc quan rằng đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Nhưng Việt Nam cần thu hút FDI có chọn lọc, chứ không phải bằng mọi giá".