Mới đây 8 Hiệp hội doanh nghiệp đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về thời gian áp dụng điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023 nhằm đảm bảo tính khả thi và quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động.
- Thưa ông, vì sao các Hiệp hội tiếp tục gửi đề xuất lùi thời gian áp dụng điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022?
Sau 2 phiên đàm phán, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình Chính phủ phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022 mức 6% và áp dụng từ 1/7/2022 tới 31/12/2023. Tuy nhiên, các Hiệp hội đánh giá, thời điểm áp dụng như vậy sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì đơn giá, hợp đồng đã được ký, các phương án sản xuất kinh doanh đã được quyết định thực hiện từ đầu năm cho đến hết 31/12/2022. Nếu điều chỉnh từ 1/7/2022 thì quá áp lực cho doanh nghiệp.
Do đó, các hiệp hội đề nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc giải pháp là thời điểm áp dụng từ 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.
Các hiệp hội nêu rõ, trong 2 năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh so với thời điểm mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hiện đang có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động như vậy sẽ có hiện tượng người lao động không có việc dẫn đến không có thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống.
- Vậy với vai trò của cơ quan đại diện giới sử dụng lao động, ông có quan điểm thế nào về đề xuất này, thưa ông?
Như tôi đã có trao đổi tại cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, VCCI nhất trí với kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu, tuy nhiên vẫn băn khoăn về thời điểm áp dụng.
Thực sự chúng tôi chưa hài lòng với thời điểm áp dụng này vì cả doanh nghiệp và người lao động đều là đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, để giữ chân người lao động và hỗ trợ họ cải thiện thu nhập trước những khó khăn, không ít doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương từ đầu năm 2022..
Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá. Nếu áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, các doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối 2021.
> Lùi tăng lương tối thiểu vùng 2022: Lợi đơn hay thiệt kép?
- Vậy thời điểm nào là hợp lý, thưa ông?
Theo chúng tôi, nếu áp dụng từ 1/1/2023 thì tốt hơn vì như vừa nói, kế hoạch sản xuất, ngân sách tài chính cho năm 2022 của các doanh nghiệp đã được lập, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng nhiều lao động, sản xuất hàng xuất khẩu thì các đơn hàng trong tháng 7, tháng 8 thậm chí đến cuối năm 2022 đã được ký kết và chốt giá với khách hàng.
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa mới phục hồi và còn nhiều khó khăn về chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm vẫn tiếp tục bị “đứt gãy”, thêm vào đó, chính sách “zero-Covid” của một số thị trường lớn đã gây thêm nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào và mậu biên phụ thuộc nhiều vào thị trường này như Việt Nam.
Trong bối cảnh Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đang đẩy mạnh những giải pháp tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thì việc xem xét điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/1/2023 cần được tính đến để tạo sự hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội: Thời điểm tăng lương gấp gáp, cách ngày 1/7 chỉ hai tháng có thể gây cú sốc cho doanh nghiệp, vốn vừa gượng dậy sau đại dịch. Với doanh nghiệp, tiền lương được tính vào chi phí sản xuất, phải tính từ năm trước để chuẩn bị cho năm sau. Nguyên tắc xây dựng lương tối thiểu trong khối này phải tính đến doanh nghiệp vừa và nhỏ - nơi có số công ty đông, tập trung nhiều lao động chứ không chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh bình thường, có lợi thế. TS Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công: Thay vì loay hoay giải quyết phần nổi là tăng lương, về lâu dài nhà nước cần giải bài toán giảm chi phí tiêu dùng cho lao động. Mức sống của người lao động được quyết định bởi hai vế là thu nhập và chi tiêu, nên thu nhập có thể chưa tăng hoặc tăng chậm, nhưng nếu chi tiêu giảm xuống thì mức sống được đảm bảo. |