Bán lỗ để thoát “nợ”
Năm 2021, có trong tay 1,5 tỷ đồng, anh Ngô Thành, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội, bắt đầu tìm hiểu về thị trường bất động sản với mong muốn sẽ kiếm được lời.
“Thời điểm đó, bạn bè tôi nhiều người đã kiếm được tiền từ đất, thậm chí là rất nhiều và giàu lên nhanh chóng. Thời điểm đó, lãi suất gửi ngân hàng khá thấp nên tôi đã rút hết tiền tiết kiệm và bắt đầu khảo giá khắp nơi để mua”, anh Thành nói.
Sau vài tháng tìm kiếm, đến tháng 5/2021, thị trường bất động sản vẫn diễn biến sôi động, anh Thành liều vay thêm tiền mua 2 mảnh đất tại Thạch Thất, diện tích 70m2/lô với mức giá 18 triệu đồng/m2, tổng hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó có 1 tỷ đồng là anh vay ngân hàng.
Mấy tháng đầu tiên, dù phải trả cả gốc và lãi vài chục triệu đồng mỗi tháng nhưng anh Thành vẫn cảm thấy rất thoải mái. Dần thấy mỗi tháng phải đóng vài chục triệu và đều đặn, cộng với việc đầu năm 2022 thị trường bất động sản bắt đầu chững lại rồi hạ nhiệt, lúc này anh Thành mới cảm thấy như “ngồi trên đống lửa”.
“Các lệnh siết phân lô bán nền, kiểm soát tín dụng,... khiến thị trường bắt đầu chững lại. Khi đó, tôi thấy không ổn với việc đầu tư đất, bởi về dài hạn vẫn chưa biết sẽ có tác động gì tiếp theo. Đầu năm 2022 tôi rao bán nhưng mãi vẫn khó bán”, anh Thành nói.
Mãi đến mới đây, anh Thành đã chấp nhận cắt lỗ sâu cả 2 lô đất với mức giá 15 triệu đồng/m2, tức lỗ hơn 400 triệu đồng. “Sau hơn 1 năm đầu tư tôi phải chấp nhận cắt lỗ hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, việc cắt lỗ được và giải phóng khoản nợ ngân hàng ở thời điểm này vẫn còn may. Để lâu thêm tôi sợ có thể giá xuống nữa, khó thanh khoản hơn, cộng thêm lãi ngân hàng vẫn trả đều thì thành âm nặng”, anh Thành nói.
Lộ diện nhà đầu tư “tay mơ”
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về siết tín dụng, tụt giảm thanh khoản, lệch pha cung cầu… nhiều nhà đầu tư đang thật sự đuối sức.
Nhiều môi giới cũng phải thừa nhận trong thời gian hiện tại rất khó thanh khoản, người bán nhiều người mua gần như không có. Anh Thanh Tùng - chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, nhiều nhà đầu tư bất động sản dùng đòn bẩy quá lớn hiện nay đang muốn “tháo chạy” khỏi thị trường. Ngay cả một số nhà đầu tư lớn hiện cũng đã chấp nhận bán lỗ một số lô đất để cơ cấu danh mục đầu tư, chỉ giữ lại nhưng lô có vị trí đẹp và công năng sử dụng ngay.
“Khi thị trường sôi động thì bỏ tiền vào khu vực nào cũng có lãi, lúc đó ai cũng là nhà đầu tư tài ba. Nhưng khi thị trường bất động sản bắt đầu sang giai đoạn mới sẽ lộ diện những nhà đầu tư tay mơ, họ là nhóm đối tượng sẽ bỏ chạy đầu tiên khi có biến động do tâm lý không vững vàng”, anh Tùng nói.
Người này nhận định, thực tế hiện tượng cắt lỗ mới chỉ diễn ra ở một bộ phận và chưa xuất hiện tình trạng "bán tháo" như giai đoạn 2009 - 2011. Nếu thị trường vẫn không có chuyển biến mới thì chỉ cuối năm 2022 - 2023 nhà đầu tư đang ôm đất sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Theo ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group, câu chuyện gồng lãi với nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính nhiều phụ thuộc vào nguồn thu, bài toán tài chính và thời hạn đầu tư của mỗi người. Nhà đầu cơ lướt sóng khi dùng đòn bẩy tài chính nhiều sẽ chịu rủi ro nhiều nhất.
Xu hướng cắt lỗ có thể lan rộng hay không thì hiện tại khó đưa ra dự báo chính xác. Nhưng sẽ xảy ra với những người sử dụng đòn bẩy từ 70-80% trở lên mà không có nguồn thu để gồng lãi tiếp.
Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, trong bối cảnh nền kinh tế 2022 rất khó đoán định thì tiêu chuẩn hàng đầu khi mang tiền đi đầu tư thời gian này là phải đảm bảo không mất vốn, mua bất cứ tài sản nào cũng phải nghĩ đến khả năng bán được (tức thu hồi vốn nhanh), sau đó mới xét đến mục tiêu lợi nhuận.