Tuy nhiên hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về kiểm định, đánh giá các yếu tố để xác định mức độ chất lượng của nhà chung cư, do đó để thống nhất trong công tác kiểm định, Sở Xây dựng đang xây dựng kế hoạch và xin ý kiến của thành phố.
Về vấn đề di dời người dân tại các chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D, "nếu không hoàn thành việc di dời dân, trong thời gian ở gặp phải vấn đề gì sẽ quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương đầu tiên", lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.
Đối với nội dung các chủ đầu tư đăng ký cải tạo chung cư cũ, theo ông Phong, thời gian đăng ký tiếp nhận làm chủ đầu tư sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố, UBND cấp huyện nơi có dự án, cơ quan nhà ở cấp tỉnh theo Nghị định 69 của Chính phủ.
Đề án ưu tiên các chủ đầu tư nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện có dự án vì đây là địa chỉ chính xác nhất. Trên cơ sở đó, tổng hợp và trình UBND thành phố thông qua Sở Xây dựng - cơ quan chuyên môn giúp UBND thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Về đơn vị thực hiện, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có nhu cầu gửi đơn đăng kí kèm theo hồ sơ đáp ứng năng lực và phương án bồi thường. Căn cứ đăng kí, trên cơ sở tiêu chí thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng kí làm chủ đầu tư được công bố và quy hoạch chi tiết khu vực có nhà chung cư phải được cải tạo, xây dựng lại.
Về điều kiện để lựa chọn chủ đầu tư, tối thiểu 75% tổng số các chủ sở hữu nhà chung cư, khu chung cư tham gia đồng ý.
Theo ông Võ Nguyên Phong, trong trường hợp chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tư thì UBND cấp huyện sẽ lập đề xuất, chủ trương đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên cơ sở danh mục dự án trong kế hoạch cải tạo đã được phê duyệt. UBND cấp huyện sẽ trình chủ đầu tư để chủ trì báo cáo, trình thành phố phê duyệt.
Đầu năm 2022, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 335/KH-UBND về việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội (Đợt 1).
Bên cạnh việc xác định cụ thể danh mục, địa điểm nhà chung cư, khu chung cư cần thực hiện cải tạo, thì Kế hoạch số 335 cũng xác định lập quỹ nhà ở tạm thời để bố trí cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.
Danh mục các nhà chung cư phải phá dỡ để xây dựng lại gồm 6 khu chung cư, dự án nhà chung cư (có nhà nguy hiểm cấp D), cụ thể: Khu tập thể Giảng Võ, Ba Đình: Kết quả kiểm định có 1 nhà cấp D (nhà C8); Khu tập thể Thành Công, Ba Đình: Kết quả kiểm định có 1 nhà cấp D (nhà G6A); Khu tập thể Ngọc Khánh, Ba Đình: Kết quả kiểm định có 1 nhà cấp D (nhà A); Khu tập thể Bộ Tư pháp, Ba Đình: Kết quả kiểm định có 2 đơn nguyên đầu hồi cấp D.
Thành phố Hà Nội giao UBND quận Ba Đình hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022; Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND quận Ba Đình rà soát kết quả kiểm định đối với các nhà chung cư đã có kết quả kiểm định và tổ chức kiểm định đối với các nhà chung cư còn lại thuộc khu chung cư theo Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố được duyệt.
Thời gian phá dỡ nhà chung cư cũ cụ thể như sau: Nhà nguy hiểm cấp D dự kiến thực hiện phá dỡ trong quý III/2023; Đối với các nhà còn lại thuộc khu chung cư tiến độ cụ thể trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án (từ Quý III/2023).
Đối với nhà chung cư số 51 Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ quận Đống Đa), thành phố Hà Nội giao UBND quận Đống Đa hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022; Chủ trì tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định và tổ chức Hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời theo quy định.
Thời gian phá dỡ nhà chung cư này dự kiến hoàn thành trong quý I/2023.
Với khu nhà số 148-150 Sơn Tây (quận Ba Đình), thành phố Hà Nội giao UBND quận Ba Đình hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D trong quý I/2022. Thời gian phá dỡ dự kiến hoàn thành trong quý III/2022.