Cần có chính sách và Quy hoạch sát thực tế
Mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dừng ký hợp đồng mua bán điện mái nhà do chưa có hướng dẫn mới, thay thế Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (điện mặt trời) vốn hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020. Các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống phát điện sau ngày 31/12 cho đến khi có hướng dẫn mới.
Đánh giá về quyết định dừng mua điện mái nhà , ông Nguyễn Hoàng Hưng Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Phong Phú - Công ty CP Đầu tư Điện mặt trời SOLARCOM cho biết: Quyết định dừng cơ chế hỗ trợ phát triển điện mặt trời (giai đoạn FIT2 theo Quyết định 13 của TTg) vào thời điểm này là đúng. Bởi qua kết quả thống kê tổng công suất điện mặt trời cuối năm 2020 cho thấy sự bùng nổ của điện mặt trời tăng thêm khoảng 10GW là quá kinh ngạc, chủ yếu ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, gây nên tình trạng thừa cung thiếu cầu.
Ngoài những tín hiệu tích cực từ nguồn điện năng lượng tái tạo đem lại thì Quy hoạch điện mặt trời thời gian qua đã lộ rõ nhiều nhược điểm. Trong đó phải kể đến sự ách tắc của hệ thống truyền tải gây ra hệ luỵ cắt giảm công suất của nhiều Dự án điện gió, điện mặt trời rất lãng phí.
"Mặc dù hệ thống truyền tải giải phóng công suất được nâng cấp nhưng không đáng kể, kết hợp với tình trạng yếu kém của lưới truyền tải khiến tình hình rất đáng lo ngại. Tôi cho rằng Bộ Công thương cần rà soát lại quy hoạch, đưa ra chương trình chiến lược phát triển năng lương tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng, có phương án hợp lý và đồng bộ, phù hợp với tốc độ phát triển phụ tải và hệ thống truyền tải. Chưa kể những tiêu cực, gian lận trong công tác nghiệm thu, hòa lưới của các nguồn điện mặt trời theo cơ chế Điện mặt trời mái nhà để hưởng lợi từ chính sách mà không bị phát hiện" - ông Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Hưng, giai đoạn phát triển điện mặt trời theo QĐ11/2017 của TTg (FIT.1 01/7/2019) trước đây là tương đối phù hợp với nhu cầu chung của thị trường điện.Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đó đã xuất hiện những bất cập, nhất là sự hạn chế công suất truyền tải ở những vùng có tiềm năng về điện mặt trời, dẫn đến việc cắt giảm sản lượng, điều tiết công suất ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ không đồng bộ, khu vực thừa thì vẫn thừa mà nơi thiếu thì vẫn thiếu gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Cùng quan điểm trên ông Bùi Văn Thịnh Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận nhận đinh, sự bùng nổ của điện mặt trời mái nhà với con số kỷ lục: 9.300MWp nâng tổng công suất điện mặt trời cả nước lên 19.400MWp, tương đương 16.500MW, bằng 25% tổng công suất nguồn của cả hệ thống điện quốc gia là quá khủng khiếp.
Tuy nhiên, dẫu sao qua sự việc điện mặt trời năm 2020 chúng ta cũng thấy một số điểm tích cực về tiềm năng của doanh nghiệp Việt còn rất lớn, khi có chính sách tốt thì sẽ huy động được nguồn lực khổng lồ từ xã hội, tương đương 10 tỷ USD đổ vào điện mặt trời. Thêm vào đó, sức chịu đựng của hệ thống lưới điện, không thể ngờ lưới điện trải dài của Việt Nam có thể chịu đựng tỷ lệ năng lượng tái tạo tăng cao và nhanh như vậy. Do đó việc cắt giảm công suất là không thể tránh khỏi nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
Những diễn biến của điện mặt trời năm 2020 chúng ta cũng thấy một số điểm tích cực về tiềm năng của doanh nghiệp Việt còn rất lớn.
Theo ông Thịnh, bước sang thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, để điện gió phát triển xứng tầm, theo quy hoạch được duyệt và điện mặt trời không bị cắt giảm công suất, rất mong Chính phủ gia hạn giá FIT điện gió hiện nay thêm ít nhất 1 năm và triển khai kết nối lưới điện Việt Nam với các nước trong khu vực (giống như châu Âu đã làm) nhằm tạo thêm thị trường cho điện mặt trời lúc dư thừa trong nước cũng như uyển chuyển hơn trong điều độ hệ thống. Chi phí có thể lớn, nhưng cũng không thể sánh bằng sự lãng phí khi các dự án không phát điện được và quan trọng hơn là niềm tin của nhà đầu tư.
Đồng thuận với ý kiến trên, ông Đào Du Dương - Trưởng Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch - VP Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Bảo Long SOLAR ENERGY cho rằng, Nhà nước cần tăng khả năng phát triển nguồn điện nền (nguồn điện lưới Quốc gia). Bởi nguồn điện nền tốt mới đảm bảo ổn định được nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Theo ông Dương, quyết định dừng mua điện mái nhà mới đây là cú đánh rất lớn với các doanh nghiệp Điện mặt trời vì ngoài những doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị trước thì các doanh nghiệp "bon chen" chạy đua với thời hạn FIT2 lúc này chỉ mang tính hên xui. Thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không kịp đàm phán thoả thuận với đối tác thứ 3 khi bị vướng mắc trong một khâu đoạn nào đó, sẽ không kịp hướng chính sách giá FIT2.
Ở chiều tích cực, quyết định này cũng mang lại ý nghĩa rất lớn nhằm sàng lọc những dự án ảo, nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm với thiết bị kém, triển khai theo phong trào gây lũng loạn thị trường năng lượng.
Tuy nhiên, với vai trò là doanh nghiệp ông Dương cho rằng, để phát triển và tận dụng được nguồn điện năng lượng tái tạo, tránh việc phải cắt giảm gây lãng phí cho doanh nghiệp thì Nhà nước cần tăng khả năng phát triển nguồn điện nền, làm được điều này Bộ Công thương cần có chiến lược quy hoạch bài bản, sát với thực tế.
Trước những thông tin trên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà vẫn đang được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nghiên cứu.
Dự kiến đến quý I/2021, báo cáo mới được gửi đến Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo. Do vậy, EVN nêu rõ, kể từ đầu năm sau, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà chưa được xác định.