Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tuần giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 do Coronavirus. Đây là một tác động xấu bất ngờ lên biểu tượng sức mạnh của tổng thống Donald Trump.
Giảm chưa từng có, bốc hơi 3,2 ngàn tỷ USD
Kết thúc phiên rạng sáng 29/2 (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm phiên thứ 7 liên tiếp, với mức giảm gần 360 điểm xuống sát ngưỡng 25,4 ngàn điểm. Các chỉ số tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq Composite cũng đều giảm điểm.
Tính chung trong cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm hơn 12%, tương đương mất hơn 3.500 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong tuần, chỉ số này chứng kiến 2 phiên giảm 1.000 điểm và cũng là mức giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử chứng khoán nước Mỹ. So với đỉnh cao lịch sử ghi nhận hôm 12/2, chỉ số này đã giảm 14,1%.
Chỉ số S&P 500 giảm 11,5% trong cả tuần trong khi Nasdaq giảm 10,5% và thấp hơn 13% so với đỉnh cao ghi nhận trong tuần trước.
Chứng khoán Mỹ liên tục mất điểm mạnh, có 2 phiên rớt trên 1.000 điểm trong tuần này. |
Tính chung trong cả tuần, giá trị vốn hóa của TTCK Mỹ đã bốc hơi 3,18 ngàn tỷ USD.
Đây là một diễn biến trái ngược với những tín hiệu kinh tế tích cực và sáng sủa của nước Mỹ. Nó phản ánh một triển vọng không mấy sáng sủa của nền kinh tế số 1 thế giới trong tương lai cũng như nỗi lo của giới đầu tư đối với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tới nền kinh tế toàn cầu nói chung.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh và bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng trong bối cảnh dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra đang lan rộng trên phạm vi toàn thế giới, xuất hiện ở gần 60 nước và tạo ra những ổ dịch bên ngoài Trung Quốc như tại Hàn Quốc, Nhật, Ý…
Hàn Quốc đối mặt với tình trạng vỡ trận với số ca nhiễm Coivd-19 được ghi nhận tới sáng 28/2 đã tăng hơn 65 lần chỉ trong 10 ngày, trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 28/2 đã nâng mức cảnh báo lây nhiễm toàn cầu đối với dịch Covid-19 lên mức "rất cao" và TGĐ WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không một nước nào chủ quan rằng sẽ miễn nhiễm vì virus này “không có biên giới".
Mỹ chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. |
WHO đã nâng cảnh báo lên mức cao nhất: “Hãy thức tỉnh. Hãy sẵn sàng. Virus đang lan rộng”
Tại Mỹ, số ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên và có ca nhiễm không rõ nguồn gốc lây bệnh ở Bắc California, một dấu hiệu cho thấy khả năng “lây lan trong cộng đồng” của dịch bệnh này.
Hàng loạt các công ty lớn của Mỹ như Microsoft, Apple, Nike, United Airlines và Mastercard đã nâng cảnh báo về Coronavirus và đánh giá những tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động kinh doanh.
Cuộc đua hạ lãi suất là nguy hiểm
Nỗi lo ngại về Coronavirus cũng đã khiến các nhà tạo lập chính sách của Mỹ phải lên tiếng. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đêm qua cho biết ngân hàng trung ương Mỹ đang theo dõi sát và đánh giá những rủi ro của Coronavirus lên nền kinh tế và cam kết sẽ có hành động nếu cần thiết.
Ngay sau đó, một bản báo cáo trên Washington Post cũng cho biết, chính quyền ông Donald Trump đang xem xét ý định cắt giảm thuế nhằm đối phó với những tác động của dịch bệnh lần này.
3,2 ngàn tỷ USD bốc hơi, Donald Trump chứng kiến tuần tồi tệ nhất |
Theo đánh giá của chiến lược gia Art Hogan của Ủy ban Chứng khoán Quốc gia Mỹ, điều bao phủ các thị trường là nỗi hoảng sợ về sức khỏe toàn cầu. Nỗi sợ này gây ra sự ngừng trệ các chuỗi cung ứng của thế giới.
Điều đáng ngại là, thế giới đang đối mặt với một cú sốc về nguồn cung. Một chính sách tiền tệ nới lỏng chỉ có thể có tác dụng nếu các nước giải quyết được cú sốc về sức cầu. Các quyết định cắt giảm lãi suất không chỉ là một đơn thuốc sai, mà còn là liều thuốc tệ hại về dài hạn vì giá cả có thể leo thang nếu không có nguồn cung tương ứng.
WHO nâng cảnh báo lên mức cao nhất. |
Thị trường tài chính thế giới cũng tiếp tục chao đảo. Vàng bất ngờ giảm mạnh bất chấp chứng khoán thế giới lao dốc bởi đây là một mặt hàng dễ bán nhất vào thời điểm hiện tại và đang ở đỉnh cao. Hơn thế, nhu cầu đối với vàng tại thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc tụt giảm do người dân vật lộn với dịch Covid-19.
Dòng tiền tiếp tục đổ vào trái phiếu Mỹ khiến lợi suất tiếp tục xuống đáy. Lợi tức trái phiếu 10 kỳ hạn 10 năm đêm qua xuống mức thấp kỷ lục lịch sử mới: 1,14%.
M. Hà