Ngộ độc thuốc tự mua
Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) từng tiếp nhận một nam thanh niên đã phải nhập viện vì ngộ độc, suy thận vì 2 ngày uống 19 viên hạ sốt Paracetamol. Trước đó, bệnh nhân sốt không rõ nguyên nhân nên tự mua thuốc về dùng liên tục để hạ sốt. Khi thấy dấu hiệu vàng da, mệt mỏi... gia đình vội đưa vào viện.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết: Paracetamol là loại thuốc hạ sốt khá lành. Tuy nhiên, nếu dùng nhiều, quá liều sẽ có nguy cơ ngộ độc như trên.
Đáng lưu ý, hiện có nhiều loại thuốc giảm đau, hạ sốt chỉ khác nhau về tên thuốc, còn hoạt chất là giống nhau. Do vậy, nếu không để ý, vừa uống hạ sốt lại uống giảm đau sẽ làm tăng liều nạp vào cơ thể. Ngoài ra hay gặp nhất là do sốt cao tái diễn liên tiếp, dùng thuốc hạ sốt liên tục.
Sử dụng thuốc bừa bãi dễ ngộ độc.
Mặc dù, paracetamol được đánh giá là loại thuốc hạ sốt "lành", nhưng cần phải được sử dụng đúng hướng dẫn về liều lượng. Cụ thể, với người lớn khỏe mạnh không nên quá 3g/ngày (tương đương với 6 viên), tuy nhiên, an toàn nhất là dùng tối đa 4 viên/ngày. Với trẻ em, không được dùng quá 15mg/kg cân nặng/lần và chỉ dùng tối đa 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 4 - 6 tiếng.
Mua thuốc dễ như mua rau
Ngộ độc thuốc tự mua không còn mới nhưng vẫn còn nhiều ca cấp cứu đáng tiếc xảy ra. Chỉ một nhấp chuột với từ khoá "thuốc trên mạng", "thuốc" trên mạng sẽ có hàng trăm trang bán hàng, trang cá nhân rao bán thuốc với đủ các loại, đặc biệt thực phẩm chức năng xách tay.
Theo những người có kinh nghiệm trong nghề bán thuốc online, việc tạo lập những “hiệu thuốc trên mạng” rất dễ dàng.
Có người lập tại khoản trên những trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, hay các trang mạng xã hội trong nước để quảng cáo, giới thiệu nhằm thu hút người mua tiềm năng. Có người sẽ tận dụng những website chuyên về rao vặt, mua bán để lập tài khoản và thành lập cho mình một của hàng online trên mạng sau khi điền một vài thông tin cá nhân.
Chính việc quá dễ dàng để tạo một gian hàng “ảo” như vậy nên các nhà thuốc online mọc lên "như nấm sau mưa".
Vì lợi ích kinh tế, nhà thuốc online sẵn sàng phục vụ yêu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng dễ dãi với sức khoẻ của bản thân, sẵn sàng mua thuốc trên mạng.
Thị trường tân dược chữa bệnh vốn đã khó kiểm soát với nạn thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả trôi nổi. Đặc biệt là tình trạng mua và bán thuốc không có đơn của bác sĩ dễ như “mua rau” ngoài chợ đáng báo động.
Trước sự bùng phát dịch vụ mua bán thuốc qua mạng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng tới 50% lượng thuốc bán trên mạng là thuốc giả, ở Việt Nam tỷ lệ này có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, do kinh doanh thuốc qua mạng không dễ xác định được danh tính cũng như địa chỉ đối tượng kinh doanh, nên tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả. Vì thế, không có cách nào khác, người tiêu dùng phải có biện pháp tự bảo vệ mình và người thân bằng việc mua thuốc ở những cơ sở có uy tín.