Trong đợt cao điểm nhu cầu cận Tết Nguyên đán vừa qua, Ngân hàng Nhà nước dự tính giao dịch qua hệ thống ATM có thể gấp đôi so với ngày thường.
Tuy nhiên, tổng thể năm 2019, dữ liệu thống kê cho thấy tỷ trọng giao dịch qua ATM giảm rất mạnh.
Số liệu từ Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết, hệ thống chuyển mạch Napas tăng trưởng tới 80,2% về tổng số lượng giao dịch và 170,6% về tổng giá trị giao dịch so với năm 2018.
Đặc biệt, không chỉ tăng trưởng về số lượng và giá trị giao dịch, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống Napas có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM (tỷ trọng giao dịch ATM năm 2018 chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42%) sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng (tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 từ 26%, năm 2019 tăng lên 48%).
Theo Napas, xu hướng này thể hiện rõ sự chuyển dịch thói quen của khách hàng từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng hàng ngày bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử.
Tại hội nghị của Napas vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết thêm một số dữ liệu khác đáng chú ý.
Cụ thể, tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống chuyển mạch trong năm 2019 đạt 700 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch đạt gần 4,8 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 102% và 174% so với cùng kỳ năm 2018.
Sự tăng trưởng của hệ thống chuyển mạch đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của giao dịch qua điện thoại di động trong toàn quốc tương ứng 197% về số lượng và 225% về giá trị so với năm 2018; so sánh với sự tăng trưởng giao dịch qua ATM chỉ ở mức 28% về số lượng và 24% về giá trị, cho thấy đang có sự dịch chuyển giữa các kênh thanh toán từ chủ yếu rút tiền mặt qua ATM sang thanh toán không dùng tiền mặt.