Thị trường còn nhiều thách thức
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản thời gian qua, ông Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI) chia sẻ tại talkshow Thị trường bất động sản: Thanh lọc, tồn tại, phát triển rằng, thị trường bất động đã trải qua không ít biến động.
Cụ thể, ông Khôi cho biết, cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, sau khi kết thúc việc phong tỏa do dịch Covid-19, cơn sốt đất đã xuất hiện tại một số khu vực. Một phần là do gói kích cầu của Chính phủ và mặt bằng lãi suất lúc này khá thấp. Người dân và các nhà đầu tư cũng có nguồn tiền khá dồi dào từ thị trường tài chính chuyển qua thị trường bất động sản.
Từ quý 2/2022, Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ liên quan việc siết room tín dụng, đồng thời cũng siết pháp lý bất động sản.
Quý 3/2022, tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh Nga – Ukraine ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu và chuỗi cung ứng,… khiến giá xăng dầu tăng mạnh.
Đến quý 4/2022, Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường bất động sản, thị trường tài chính – ngân hàng.
Vị này đánh giá thị trường bất động sản thời gian tới sẽ còn nhiều thách thức khó lường. Bối cảnh kinh tế, địa chính trị thế giới nhiều rủi ro, lạm phát tiếp tục tăng cao… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản trong nước, chưa kể cuối năm 2022 và trong năm 2023, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các sai phạm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chật vật đối mặt với hàng loạt trở ngại như vướng mắc trong việc hoàn thành thủ tục pháp lý dự án, khan hiếm dòng tiền, chi phí đầu vào tăng, lãi suất cho vay tăng cao, giao dịch trầm lắng.
Gần 2.300 doanh nghiệp môi giới phải tạm ngừng hoạt động trong 10 tháng
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, giao dịch không có dẫn tới tình trạng doanh thu của các doanh nghiệp môi giới sụt giảm. Hoạt động của doanh nghiệp môi giới bất động sản cũng phải "tạm nghỉ đông". Nhiều doanh nghiệp còn hoạt động thì gặp không ít khó khăn về tài chính phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm nhân sự.
Theo số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng của năm 2022, có gần 2.300 doanh nghiệp môi giới tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 53% và gần 1.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên ông Khôi cho biết, thị trường vẫn có “điểm sáng” là nhu cầu tìm kiếm bất động sản vẫn cao. Theo khảo sát của viện nghiên cứu RERI cho thấy, 24% khách hàng, đặc biệt là khách hàng có nhu cầu thực có nhu cầu mua nhà ngay lập tức; 15% sẽ mua trong vòng 3 – 6 tháng tới; 39% sẽ mua trên 6 tháng; 22% sẽ mua nhà trong thời gian trên 1 năm. Như vậy mặc dù thị trường có nhiều biến động, khó khăn, nhóm khách hàng thực sự muốn mua nhà thực bắt đầu quay lại thị trường khi giá nhà trở về giá trị phù hợp hơn với khả năng tài chính của họ.
Ông Khôi cho rằng, đây là cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc, tinh giản hệ thống nhân sự, tuyển dụng có chọn lọc, chuẩn hóa hoạt động đào tạo, nhắc nhở nhân viên thượng tôn pháp luật hàng đầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần sàng lọc, tinh giảm hệ thống, chọn lọc nhân sự và chọn lọc chủ đầu tư uy tín, đủ năng lực triển khai dự án, đồng thời xây dựng chiến lược lâu dài cho doanh nghiệp. Thời gian trầm lắng cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp hoàn thiện hệ sinh thái ngành, ứng dụng công nghệ trong công tác bán hàng và quản trị doanh nghiệp.
"Giai đoạn này là cơ hội tốt để các nhà môi giới học hỏi, phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ và kỹ năng hành nghề. Cần kiên định với mục tiêu nghề nghiệp, đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu cá nhân, nâng cao kiến thức, tác phong, đạo đức hành nghề, không lừa dối khách hàng, không nói xấu đối thủ...
Đồng thời, nên tái định vị thương hiệu cá nhân thông qua việc tìm hiểu, nghiên cứu để lựa chọn các thị trường, phân khúc sản phẩm phù hợp với khả năng, sở trường của bản thân cũng như lựa chọn đơn vị bán hàng có uy tín, chuyên nghiệp", TS. Phạm Anh Khôi tư vấn.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng - Phó tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam nói thêm: "Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2023 sẽ có những quy định rất chặt chẽ với hoạt động môi giới. Theo đó, sẽ xử lý nghiêm nhà môi giới không qua đào tạo, không có chứng chỉ hành nghề môi giới do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Vì vậy, trong thời điểm này, doanh nghiệp môi giới nên tập trung đào tạo, chuẩn hóa hoạt động để người môi giới phải là một nhà tư vấn bất động sản, định giá bất động sản, quản lý bất động sản…".