Rau khan hàng vì mưa to thất thường
Sau Tết, trên các cánh đồng chuyên trồng rau ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), hầu hết rau cải ngọt và cải cúc nằm bẹp trên ruộng vì mưa lớn trong Tết. Thậm chí, có ruộng bị ngập úng nhiều ngày, dẫn đến hiện tượng rau bị thối rễ héo chết.
Nhanh tay thu dọn những cây rau bị chết, bà Đào Thị Phán, người trồng rau ở xã này cho biết: “Gia đình tôi trồng gần 2 sào rau các loại. Ăn Tết xong, tôi ra thăm ruộng thì nhiều cây rau có hiện tượng bị giập nát do mưa rào và mưa đá trong dịp Tết vừa qua”, bà Phán nói. Bà Phán cho biết thêm, nhiều ngày sau Tết, trời vẫn mưa lớn nên khó canh tác trở lại. Không chỉ riêng hộ bà Phán, các loại rau trồng của nhiều gia đình khác trong xã cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội cũng chịu tác động từ thời tiết bất thường thời gian qua. Xã Vân Côn được xem là một vùng trồng rau lớn của huyện Hoài Đức với khoảng 140 ha đất trồng rau. Bà Ngô Thị Luận, một người chuyên trồng rau trong xã này buồn bã nhìn ruộng rau thưa thớt. Thời gian này, bà cố gắng chăm bón cho những cây rau còn sống sót sau những trận mưa lớn trong dịp Tết.
Bà Luận cho hay, trước Tết, bà gieo trồng hơn 1 sào các loại rau cải để thu hoạch và bán vào dịp sau Tết. Thế nhưng, qua mấy ngày Tết Nguyên đán, bà sững người khi ra thăm ruộng rau. “Sau mưa lớn trong Tết, rau còn non nên bị mưa làm hỏng, hơn 1 tuần sau, rau mới bắt đầu dần hồi sinh. Do đó, tôi không có rau bán trong thời điểm này”, bà Luận nói
Cũng theo bà Luận, hiện tượng thời tiết bất thường khiến nhiều loại rau trồng khó sinh trưởng bình thường. “Gần nửa tháng qua mưa rét, tôi trồng hơn một sào mướp ngọt nhưng đều bị chết. Còn rau mồng tơi cũng lâu cho thu hoạch, khoảng nửa tháng nay, tôi mới hái rau bán một lần, bình thường các năm trước tầm này, cứ 2 -3 ngày, tôi hái bán một lần loại rau này”, bà Luận chia sẻ.
Giá cao gấp nhiều lần trước Tết
Bà Đào Thị Vui, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Đông Hưng (xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang), chuyên cung cấp rau cho bếp ăn của nhiều công ty may mặc ở Bắc Giang cho hay, sau dịp nghỉ Tết, nhiều thành viên trong hợp tác xã không có nhiều rau bán do ảnh hưởng thời tiết thất thường vừa qua. “Tôi phải thu mua tại ruộng với giá cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trước Tết, như rau cải canh có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg, cần tây giá hơn 10.000 đồng/kg”, bà Vui chia sẻ.
Tại nhiều chợ ở nội thành Hà Nội những ngày gần đây giá các loại rau cao gấp nhiều lần so với trước Tết. Tại chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), một mớ rau muống có giá 20.000 - 30.000 đồng, súp lơ xanh có giá 80.000 đồng/cân, rau cải bắp bán với giá 17.000 đồng/kg... “Tôi phải nhập các loại rau với giá tăng lên 2 -3 lần so với trước Tết và chưa có dấu hiệu hạ xuống”, một tiểu thương chuyên buôn rau ở chợ Hôm cho biết.
Tương tự, tại một chợ dân sinh ở khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa), giá nhiều loại rau cũng có giá cao. Rau cải cúc có giá 10.000 đồng/mớ, cải ngọt 12.000 đồng/mớ, su hào trung bình có giá 10.000 đồng/củ.
“Gần nửa tháng qua mưa rét, tôi trồng hơn một sào mướp ngọt nhưng đều bị chết. Còn rau mồng tơi cũng lâu cho thu hoạch, khoảng nửa tháng nay, tôi mới hái rau bán một lần, bình thường các năm trước tầm này, cứ 2 -3 ngày, tôi hái bán một lần loại rau này”. Bà Ngô Thị Luận chia sẻ