Thời trang Việt loay hoay với hàng giá rẻ Trung Quốc

26/10/2024 11:10
Các doanh nghiệp ngành may mặc thời trang tại Việt Nam nỗ lực tìm giải pháp thích nghi

Những ngày này, cơn sốt hàng hóa - trong đó nổi bật là hàng may mặc - giá rẻ trên thương mại điện tử ngày càng rầm rộ, khi các "ông lớn" từ Trung Quốc là Temu, Shein... vào thị trường Việt Nam. Điều này khiến ngành kinh doanh hàng thời trang ở các shop, sạp chợ truyền thống đã ế, càng thêm khó.

"Sốc" với thời trang giá rẻ Trung Quốc

Chị Nguyễn Thái Trang, kinh doanh quần áo ở chợ An Đông (quận 5, TP HCM), có xưởng may quần áo riêng, đang rất đau đầu trước cơn lốc hàng giá rẻ Trung Quốc. Chị cho biết mấy chục năm nay, chị chủ yếu mua vải ở chợ Tân Bình (quận Tân Bình) để may đồ, phụ liệu thì mua ở trung tâm Đại Quang Minh (quận 5) dù tiểu thương cung cấp sỉ các mặt hàng nguyên phụ liệu này cũng lấy hàng từ Trung Quốc về bán.

Thời trang Việt loay hoay với hàng giá rẻ Trung Quốc - Ảnh 1

Kinh doanh hàng may mặc tại các chợ không cạnh tranh lại hàng giá rẻ từ Trung Quốc

"Một sản phẩm cơ sở tôi tự thiết kế và sản xuất giá thành thấp nhất đã 140.000 - 150.000 đồng, bán ra trên 200.000 đồng mới bảo đảm không lỗ. Thế nhưng, cũng mặt hàng đó, đồ Trung Quốc bán tới tay người tiêu dùng Việt Nam chỉ 120.000 - 150.000 đồng. Với mức giá này, không chỉ "giết chết" những nhà sản xuất hàng may mặc Việt Nam mà còn cạnh tranh trực tiếp với những nhà kinh doanh đang nhập hàng Trung Quốc về bán" - chị Thái Trang nêu thực tế.

Chị Trang dẫn chứng thêm chị từng sang Trung Quốc khảo sát các xưởng sản xuất của họ và nhận thấy giá hàng may mặc đang bán vào Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới bằng với giá bán sỉ ngay tại xưởng. Thương nhân Việt Nam nếu sang Trung Quốc mua hàng giá này, cộng thêm chi phí vận chuyển, quầy sạp, kho chứa... phải bán 200.000 - 220.000 đồng. "Không chỉ cơ sở sản xuất mà chợ truyền thống , siêu thị lẫn trung tâm thương mại đều rất vất vả để cạnh tranh với hàng Trung Quốc" - chị Trang lo lắng.

Sức mua chậm, hàng giá sỉ Trung Quốc tràn ngập khiến 2 ngôi chợ sỉ về nguyên liệu và sản phẩm may mặc của TP HCM là Tân Bình và An Đông không khí rất trầm lắng dù thời điểm gần cuối năm thường nhộn nhịp. Các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang và chợ truyền thống cũng rất ảm đạm. Nhiều tiểu thương than thở buôn bán khó khăn nhưng chưa biết cách nào để vượt qua.

Đầu tư sâu, khai thác thị trường ngách

Chuyện hàng may mặc, thời trang Việt Nam lép vế tại sân nhà đã diễn ra lâu nay. Khoảng 1 thập niên trước, cùng với trào lưu quay về thị trường nội địa của các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu có thương hiệu, một số chuỗi cửa hàng thời trang của các start-up (nhà khởi nghiệp) Việt cũng đã ra đời và phát triển khá mạnh.

Tuy nhiên, cạnh tranh thị trường đã khiến nhiều thương hiệu buộc phải rút lui. Gần đây nhất, CATSA - chuỗi cửa hàng thời trang nam với 22 cửa hàng trên toàn quốc - đã đóng cửa ngừng hoạt động sau 13 năm phát triển. CEO Nguyễn Thùy Linh Cát của CATSA cho biết cuộc chiến cạnh tranh về giá trong ngành may mặc thời trang đang diễn ra quá mạnh mẽ.

Các thương hiệu đang bị cuốn vào cuộc chiến giảm giá trên các sàn thương mại điện tử . "Muốn giữ thị phần thì phải giảm giá. Trong khi phân khúc của CATSA nằm ở tầm trung, muốn giảm giá phải cắt giảm các chi phí như phúc lợi nhân viên, văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội, làm thương hiệu..." - chị Linh Cát chia sẻ. Nhận ra CATSA đã đạt đến ngưỡng phát triển nhất định, khó có thể phát triển thêm nữa nếu theo đuổi cuộc đua giá rẻ, chị Linh Cát chọn khai tử CATSA để bắt đầu lại với 1 phân khúc sản phẩm "xanh" hơn, ít cạnh tranh hơn.

Theo ông Trần Văn Quy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy, sức ép của hàng hóa Trung Quốc là một thực tế mà rất nhiều ngành hàng của Việt Nam phải đối mặt. Trung Quốc có nền sản xuất, đặc biệt là máy móc, công nghệ phát triển mạnh. Để tồn tại và phát triển bên cạnh "người khổng lồ" Trung Quốc, không còn cách nào khác phải đầu tư sâu, tìm kiếm và khai thác phân khúc thị trường, sản phẩm ngách.

Ông Quy cho biết công ty ông đang cung cấp nguyên liệu vải cho phân khúc thị trường trung và cao cấp, đặc biệt là những khách hàng đòi hỏi những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm ở thị trường xuất khẩu lẫn trong nước. Công ty đã đầu tư công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ nhuộm gió (air-dyeing) giúp tiết kiệm 60% - 70% nước sử dụng và giảm lượng hóa chất cần thiết, từ đó giảm thiểu tác động lên nguồn nước và môi trường, sử dụng nguyên liệu bền vững như vải sợi hữu cơ và sợi tái chế, nhất là các loại vải sợi sinh học từ thiên nhiên như sợi tre, sen, dứa, lông cừu, cà phê, sợi gai..., giúp sản phẩm thân thiện với cả người sử dụng và môi trường.

Một điển hình khác của việc khai thác thị trường ngách là một số doanh nghiệp, cơ sở may mặc đã mở thêm dịch vụ đo may cho khách hàng lẻ. Sau gần 1 năm nhận đo may cho khách lẻ, chị Thái Trang đã có được danh sách khách hàng "ruột" là những người không thích mặc đồ may sẵn hoặc người "big size". "Công việc này chủ yếu để cho công nhân có việc làm nhưng cũng là cách để tăng kết nối với khách hàng, hiểu hơn nhu cầu, thị hiếu của khách" - chị Thái Trang nói. 

Theo các nhà sản xuất hàng dệt may, người tiêu dùng nội địa chưa bao giờ dễ tính. Khách hàng có nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao, không chỉ thiết kế, chất lượng sản phẩm mà còn phải liên tục cập nhật những xu hướng mới. Rất nhiều doanh nghiệp đã thành công khi xuất khẩu nhưng chưa chắc thành công ở trong nước. "Để cạnh tranh ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp phải cố gắng gấp 2-3 lần so với xuất khẩu mới có được chỗ đứng. Nếu các doanh nghiệp liên tục thay đổi để bắt nhịp với tâm lý tiêu dùng thì người tiêu dùng sẽ không thờ ơ với các thương hiệu thời trang nội" - ông Quy nhận xét.


Tin mới

Trung Quốc tung ra 'cục sạc di động' cho ô tô điện, có thể di chuyển tự do mà không cần người điều khiển
4 giờ trước
Gã khổng lồ ô tô điện Trung Quốc Wuling vừa ra mắt một bước tiến mới trong công nghệ trạm sạc di động cho xe điện (EV), tạo nên một cuộc cách mạng về cách cung cấp năng lượng cho xe hơi trong thời đại năng lượng tái tạo.
"Vua" xe ga 160cc nét căng ra mắt Campuchia, ăn đứt Air Blade, Honda SH
3 giờ trước
NCX Honda ADV160 2025 được trang bị kính chắn gió lớn, màn hình LCD hiện đại, phanh ABS, bình xăng 8,1 lít.
Chàng trai Tây làm phở Việt sấy khô cực độc lạ, dân tình người ngỡ ngàng, người "khóc thét"
3 giờ trước
Không chỉ gây sốt với cách làm phở Việt sấy khô độc lạ, mà đoạn clip còn khiến cộng đồng mạng còn không ngừng tò mò về thành quả cuối cùng của món ăn này.
Tại sao Temu lại rẻ như vậy? 5 lý do đằng sau mức giá thấp của Temu
2 giờ trước
Nếu bạn tình cờ biết đến Temu và tự hỏi tại sao giá các món đồ được bán trên đó lại thấp như vậy thì hãy yên tâm, bạn không phải là người duy nhất.
Giá vàng tăng cao kỷ lục, Hội đồng Vàng thế giới và chuyên gia đồng thuận đưa ra dự báo “nóng” gì?
2 giờ trước
Trong những ngày qua, giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục. Vậy, các chuyên gia đưa ra nhận định gì về kịch bản sắp tới?

Tin cùng chuyên mục

Những trái dừa "kỳ lạ" ở Trà Vinh và sự ra đời của loại đồ uống khiến khách Mỹ say mê
2 giờ trước
Ban đầu, ý tưởng của cô thạc sỹ bị không ít người nghi ngờ, cho rằng đó là một việc làm mạo hiểm.
Cà phê Việt Nam thắng lớn
20 giờ trước
Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2023-2024 đạt 5,43 tỷ USD, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết và khẳng định đây là trị giá cà phê xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường ngày 31/10/2024: Cà phê robusta tăng do một yếu tố từ Việt Nam, dầu bật tăng, vàng lập kỷ lục mới
21 giờ trước
Chốt phiên giao dịch ngày 30/10/2024, giá quặng sắt tăng nhẹ khi lo ngại về thuế quan của EU làm giảm bớt lạc quan về kích thích tài chính của Trung Quốc, phê Robusta cung tăng giá do mưa lớn ở Việt Nam.
Đối thủ Honda Lead, Vision lộ diện: Xe máy Thái Lan đẹp, cốp 30 lít, giá từ 43 triệu đồng
22 giờ trước
Mẫu xe tay ga Honda Giorno+ có thiết kế mang hơi hướng cổ điển đi kèm trang bị hiện đại, smartkey, bình xăng 5,4 lít...