Thưa Tổng thống Trump,
Tôi chưa từng là người ủng hộ ngài, nhưng trước tình hình phức tạp của đại dịch coronavirus, tôi thật lòng mong muốn ngài sẽ dẫn dắt nước Mỹ tới thành công, bởi có rất nhiều quyết định sống còn mà chỉ ngài mới có thể toàn quyền thực hiện. Vì vậy, những gì tôi sắp nói ở đây là thực sự dựa trên tinh thần mang tính xây dựng: Ngài rất cần một kế hoạch tác chiến.
Rất nhiều các chuyên gia y tế cộng đồng hàng đầu đã đạt tới sự đồng tình về những gì có thể trở thành "Kế hoạch 3 bước của Trump". Bằng cách chấp nhận, ủng hộ và kiên trì đi theo chiến lược như đã đề xuất của họ, không phải thay đổi liên tục mỗi ngày một kiểu như cách hoạt động hỗn loạn trong Nhà Trắng, ít nhất ngài Tổng thống có thể đưa ra một vài câu trả lời cho nhu cầu cấp bách nhất của công chúng trong thời gian ngay lúc này. Người dân cần có niềm tin rằng chính phủ thực sự có một kế hoạch trong việc chống lại virus, đảm bảo mọi cách có thể để đem lại an toàn cho người dân và nhanh chóng đưa nền kinh tế hoạt động trở lại.
Những câu hỏi đau đáu nhất đối với những người đang bị cách ly ở nhà là: Tôi có an toàn không? Con tôi có an toàn không? Bao giờ tôi mới được nhận lương? Nếu tôi có một chút tiền tiết kiệm, thì liệu tôi sẽ cầm cự được bao lâu nữa? Khi nào con tôi đi học lại? Khi nào tôi thực sự có thể trở lại làm việc? Liệu công ty của tôi có bị đóng cửa vĩnh viễn?...
Và những câu hỏi đang ăn mòn tâm trí mọi chủ cửa hàng, quản lý doanh nghiệp nhỏ, CEO đa quốc gia, lãnh đạo ngân hàng, nhà đầu tư và doanh nhân là: Xét một cách thực tế, khi nào doanh nghiệp của tôi có thể hoạt động trở lại? Ở đâu và khi nào tôi có thể bố trí lại nguồn lao động hoặc nguồn vốn đang khan hiếm? Tôi có thể giữ lại những nhân viên nào và phải sa thải những ai?
Việc thị trường chứng khoán khởi sắc hơn một chút trong những ngày gần đây nhờ gói cứu trợ hàng nghìn tỷ đôla không thể làm giảm bớt sự lo lắng của họ hoặc thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Chỉ có một loại vắc-xin và một kế hoạch hành động nhiều giai đoạn, đa phương hướng, rõ ràng dựa trên cơ sở khoa học mới có thể làm giảm sự lo lắng đó và chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Với nước Mỹ, kế hoạch này bắt đầu với hai việc cấp thiết nhất lúc này: Duy trì cách ly tại nhà để hạn chế số ca nhiễm bệnh, tử vong vì coronavirus và Cùng lúc xoay quanh việc dần dần mở cửa trở lại, sắp xếp, tạo các cơ hội cho người lao động quay trở lại làm việc một cách nhanh chóng nhất, ngay khi các dữ liệu đã cho thấy sự an toàn được đảm bảo.
Các chuyên gia trong bộ máy của ngài Tổng thống sẽ phải túc trực, theo dõi và đưa ra các cập nhật thường xuyên về những tiêu chí, thành phần đã đạt chuẩn như được vạch ra trong bản kế hoạch này. Tất cả người dân Mỹ muốn biết chắc chắn Tổng thống của họ có một kế hoạch và cam kết hành động theo nó. Ngay bây giờ đây, họ cho rằng ngài đang hành động theo cảm tính và liều lĩnh.
Đó là kế hoạch mà chuyên gia y tế cộng đồng David Katz gọi là "tối thiểu hóa thiệt hại", bởi vì người ta có thể chết vì virus, họ cũng có thể chết vì trầm cảm, lo âu hay nghiện ngập vì bị mất việc, tiền tiết kiệm và tương lai bị nghiền nát bởi một nền kinh tế đang trong tình trạng phong toả toàn diện. Như Tom Frieden, cựu Giám đốc của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh viết trên tờ Washington Post: Sự lựa chọn không phải là giữa sức khỏe và kinh tế mà là tối ưu hóa đối phó y tế cộng đồng để cứu sống con người trong khi giảm thiểu tác hại kinh tế. Thế nhưng, đến nay, những nhà phê bình cáo buộc ngài Tổng thống chỉ quan tâm đến thị trường chứng khoán, không phải mạng sống của con người. Trong khi đó, những người ủng hộ ngài cáo buộc những lời chỉ trích ấy là tỏ vẻ đạo đức và phớt lờ việc có bao nhiêu người sẽ chết vì suy thoái kinh tế sâu và kéo dài.
Nước Mỹ cần một sự thúc đẩy mạnh mẽ, một sự dốc tâm toàn lực từ các tiểu bang và chính phủ liên bang để đảm bảo bệnh viện có được các thiết bị cần thiết khi phải đối phó với sự gia tăng của bệnh nhân, cũng như bảo đảm vệ nhân viên chăm sóc sức khỏe tuyến đầu
Bước 1: Trước tiên, ngài Tổng thống cần yêu cầu 50 tiểu bang thực hiện chương trình cách ly xã hội và bắt buộc người dân phải ở nhà. Trong khi các chuyên gia vẫn còn tranh cãi về thời gian kéo dài của cách ly - hai tuần, bốn tuần hay tám tuần - nhưng hầu như tất cả đều đồng ý rằng cần phải làm chậm sự lây lan của coronavirus, để ngăn chặn các bệnh viện bị quá tải và hệ thống chăm sóc sức khoẻ sụp đổ, cũng như có thêm thời gian thu thập dữ liệu cần thiết hay tạo điều kiện cho các phương pháp điều trị mới xuất hiện.
Bước 2: Chúng ta cần sử dụng giai đoạn phong toả này để thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt về người nhiễm coronavirus, ví dụ như họ sống ở đâu, độ tuổi và mức độ bệnh tật của họ, tỷ lệ tử vong ở độ tuổi nào và các bệnh khác hoặc miễn dịch họ có thể có. Hiện tại có rất nhiều luồng thông tin nhưng lại không có một bức tranh toàn thể và chính xác về tổng số người bị nhiễm bệnh, nên những thông tin này có thể gây hiểu lầm một cách nguy hiểm.
Bước 3: Dữ liệu này sau đó có thể là nền tảng của những gì Katz gọi là "điểm trọng tâm". Một khi chúng ta đã giảm thiểu việc lây lan bùng phát của coronavirus trên toàn quốc và phát triển bản đồ tiềm ẩn rủi ro quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó, chúng ta có thể bắt đầu đưa mọi người trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, dù dữ liệu chỉ ra những con số như thế nào, chúng ta cũng không thể tính toán chính xác mức độ rủi ro, mức độ tái hòa nhập nền kinh tế. Một số người phải thu gom rác, cung cấp thực phẩm và thuốc men và duy trì hoạt động của các dịch vụ cơ bản. Tất cả chúng sẽ phải học cách sống với virus này ở một mức độ nào đó, cho đến khi có vắc-xin. Nếu không, sẽ không có nền kinh tế.
Bằng cách đưa ra những chính sách, chiến lược logic dựa trên cơ sở khoa học, dữ liệu dịch tễ, thưa ngài Tổng thống, ngài sẽ trấn an dân chúng rằng nước Mỹ sẽ vượt qua thảm hoạ này và hướng tới tương lai bằng sự gắn bó chặt chẽ với nhau, không phải bằng chia rẽ, hiểu lầm sâu sắc trong suốt ba năm đầu nhiệm kỳ của ngài.
Thomas L. Friedman
Thomas L. Friedman, sinh năm 1953, là nhà bình luận về các vấn đề đối ngoại của tờ New York Times. Ông đã giành 3 giải Pulitzer và là tác giả của 7 cuốn sách, trong đó cuốn "From Beirut to Jerusalem" (Từ Beirut đến Jerusalem) được giải Sách quốc gia Mỹ năm 1989.
Các cuốn "The Lexus and the Olive Tree" (Chiếc Lexus và cây Ôliu - năm 2000), "The World is Flat" (Thế giới phắng - năm 2005), "Hot, Flat, and Crowded" (Nóng, Phẳng, Chật - năm 2008) và "Thank You for Being Late" (Cảm ơn vì đến trễ - năm 2016) đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Năm 2004, Friedman được Câu lạc bộ Báo chí Quốc tế, gồm 500 thành viên đứng đầu ngành truyền thông, tặng giải thưởng vì thành tích trọn đời. Cùng năm, tên ông được Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị tấn phong vào danh sách Đoàn Quý tộc Đế quốc Anh. Từ năm 2005, Friedman được bầu vào Hội đồng xét Giải thưởng Pulitzer, trao giải hàng năm cho các tác phẩm xu