Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và các đồng nghiệp đang có quan điểm trái chiều đối với Phố Wall về việc nên duy trì lãi suất ở mức cao bao lâu trong năm 2023. Tuy nhiên, lịch sử đang đứng về phía Fed.
Sau khi thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ thập niên 1980, ngân hàng trung ương dường như sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tới, sau 4 lần điều chỉnh 75 điểm cơ bản liên tiếp để kiềm chế lạm phát.
Theo các nhà kinh tế học tham gia khảo sát của tờ Bloomberg, với động thái như vậy, FED có thể nâng lãi suất lên mức 4,25% đến 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2017. Các chuyên gia cũng cảnh báo về một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản khác vào năm tới. Họ dự đoán rằng sau khi đạt đến đỉnh đó, lãi suất sẽ duy trì ở mức đó đến hết năm 2023.
Các thị trường tài chính đồng tình với dự báo của Fed trong ngắn hạn, nhưng những diễn biến gần đây lại cho thấy thị trường dự đoán trong năm sau lãi suất sẽ giảm mạnh sau khi đạt đỉnh. Sự trái ngược đó có thể là do các nhà đầu tư kỳ vọng áp lực về giá sẽ giảm nhanh hơn so với quan điểm của FED. Trong khi FED lại cho rằng lạm phát sẽ còn dai dẳng hơn thế.
Cuộc họp tuần này tại Washington là cơ hội mới để ông Powell khẳng định quan điểm rằng FED sẽ giữ lãi suất cao để đánh bại lạm phát, giống như những gì ông phát biểu ngày 30/11. Ông nhấn mạnh rằng Fed sẽ duy trì chính sách thắt chặt “một thời gian”.
Trung bình mất 11 tháng tính từ thời điểm lãi suất đạt đỉnh đến thời điểm Fed lần đầu tiên hạ lãi suất
Trong 5 chu kỳ lãi suất gần đây nhất, trung bình thời gian lãi suất duy trì ở mức đỉnh là 11 tháng và đó là những thời kỳ lạm phát ổn định hơn so với hiện tại.
Cố vấn kinh tế cấp cao Conrad DeQuadros tại Brean Capital LLC cho biết: “FED thúc đẩy thông điệp rằng lãi suất có thể duy trì ở mức đỉnh trong một thời gian. Nhưng thị trường không nhận ra thông điệp đó. Những ước tính về mức độ giảm lạm phát là quá lạc quan”.
Sự khác biệt trong quan điểm của FED và các nhà đầu tư thể hiện hai tầm nhìn khác nhau về nền kinh tế sau đại dịch. Quan điểm trên thị trường cho thấy một ngân hàng trung ương đáng tin cậy đang nhanh chóng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, với sự trợ giúp của một cuộc suy thoái nhẹ hoặc các yếu tố khiến lạm phát duy trì ở mức thấp trong suốt 2 thập kỷ qua.
Đường cong lợi suất, được đo bằng chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 2 năm, bị đảo ngược nhiều nhất kể từ thập niên 1980. Đây là một tín hiệu giúp các nhà giao dịch nhìn thấy suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Quan điểm còn lại cho rằng những hạn chế về nguồn cung sẽ là yếu tố khiến lạm phát còn kéo dài trong nhiều tháng và có thể là nhiều năm nữa. Những thay đổi về nguồn cung và địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến đầu vào quan trọng từ chip đến lực lượng lao động lành nghề, dầu mỏ và các loại hàng hóa khác.
Trong quan điểm này, các ngân hàng trung ương sẽ phải cảnh giác với lạm phát, thứ có thể chỉ là tạm thời và có thể bị ảnh hưởng bởi những xung đột mới gây áp lực kéo dài.
Các quan chức FED vẫn chưa loại trừ hoàn toàn khả năng lạm phát giảm tốc nhanh chóng. Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết ông hy vọng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm một nửa vào năm tới xuống còn khoảng 3% đến 3,5%.
Lạm phát giá hàng hóa đã bắt đầu hạ nhiệt. Việc giảm giá cho các hợp đồng thuê nhà và căn hộ mới dẫn đến chi phí nhà ở giảm. Trong tháng 10, giá dịch vụ, trừ năng lượng và nhà ở, cũng giảm. Các nhà đầu tư cũng lạc quan trước áp lực giá cả.
Nhưng cũng có những dấu hiệu cho thấy con đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% có thể dài và gập ghềnh hơn.
Các nhà tuyển dụng đã tuyển thêm 272.000 nhân viên/tháng trong vòng 3 tháng qua. Con số này thấp hơn so với mức trung bình 374.000 trong 3 tháng trước, nhưng vẫn là một mức cao. Đó là lý do vì sao nhu cầu đang tăng.
Các quan chức FED lưu ý rằng lạm phát vốn có tính chất dai dẳng. Nghĩa là phải mất một thời gian dài để loại bỏ nó khỏi hàng triệu quyết định định giá mà các doanh nghiệp và hộ gia đình đưa ra mỗi ngày.
Các quan chức cũng đang tính toán kết quả từ chính sách của họ để đảm bảo lạm phát 2% chứ không phải 3%. Họ có thể miễn cưỡng giảm chi phí vay nếu lạm phát kẹt trên mức mục tiêu.
Đối với Williams, ông không mong đợi lãi suất cho vay giảm cho đến năm 2024, mặc dù ông dự đoán các biện pháp lạm phát sẽ giảm vào năm tới.
Theo Bloomberg