Ngày 8/3/2019, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã có buổi làm việc với NHNN chi nhánh Gia Lai.
Giám đốc NHNN chi nhánh Gia Lai Nguyễn Văn Cư đã báo cáo về tình hoạt động của chi nhánh trên địa bàn. Theo đó, NHNN chi nhánh Gia Lai đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường huy động vốn, mở rộng đầu tư tín dụng, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh; tập trung nghiên cứu triển khai, đa dạng hóa các phương thức cho vay phù hợp theo quy định hiện hành, áp dụng các thời hạn cho vay phù hợp để tạo điều kiện cho người dân trong việc vay vốn và trả nợ vay, hạn chế tối đa việc người dân phải đi vay "tín dụng đen" với lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, xử lý nghiêm đối với những cán bộ vi phạm.
Tính đến 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 03 chi nhánh NHTM nhà nước, 21 chi nhánh NHTM cổ phần, 01 chi nhánh NHCSXH, 01 Ngân hàng Hợp tác xã, 01 chi nhánh Ngân hàng Phát triển và 06 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, với 137 địa điểm giao dịch. Đến cuối tháng 02/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 33.936 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt 87.658 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cuối năm 2018.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Duy Vượt Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đánh giá cao việc những giải pháp mà Thống đốc NHNN đưa ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Ông Vượt nhấn mạnh, những giải pháp của NHNN đưa ra rất thiết thực kịp thời đáp ứng lòng dân của cử tri, tín dụng đen phải được đầy lùi.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, tăng trưởng tín dụng của Gia Lai rất cao, đây là một lợi thế, địa bàn rất quan tâm của các TCTD. Đối với Gia Lai hoạt động tín dụng của các NHTM cũng chưa thuận lợi vì ở đây không có nhiều tập đoàn lớn, bởi vậy lĩnh vực chủ yếu ở đây là nông nghiệp, cây công nghiệp nhưng lại phục thuộc quá nhiều vấn đề như: thời tiết hạn hán, mưa lụt, sâu bệnh, được mùa mất giá. Phó Thống đốc biểu dương, mặc dù khó khăn nhưng ngành Ngân hàng trên địa bàn đạt được kết quả rất tích cực, đóng góp cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của tỉnh…
Phát biểu kết luận buổi làm việc Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng biểu dương những kết quả hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn Gia Lai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Thống đốc nhấn mạnh, trong quá trình hoạch định điều hành chính sách tiền tệ đóng góp then chốt vào ổn định vĩ mô, thông qua kiểm soát lạm phát. Nhiều năm gần đây thông qua ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát là nhờ điều hành rất linh hoạt và đồng bộ chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô đó sẽ củng cố được lòng tin, niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào NHTW trong việc thực thi chính sách tiền tệ. Thống đốc cũng thông tin thêm một số vấn đề tín dụng, thị trường ngoại hối, tỷ giá, thanh tra giám sát…
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc
Liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Thống đốc cho rằng, nông nghiệp nông thôn vẫn coi là một lĩnh vực ưu tiên của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính vì vậy trong chỉ đạo điều hành của NHNN về chính sách tiền tệ, hỗ trợ các TCTD tập trung cho nông nghiệp nông thôn. Thống đốc nói, một mình ngành Ngân hàng không thể giải quyết được hết mọi vấn đề kể cả việc cho vay vốn, bởi vậy các bộ ngành cần phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Khi các bộ, ngành và hệ thống ngân hàng đồng hành sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế, tín dụng tốt hơn, từ đó đảm bảo an toàn cho hoạt động của TCTD.
Đề cập đến vấn đề phối hợp với các tổ chức chính trị trên địa bàn, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, VBSP (NHCSXH) cho vay qua tổ tiết kiệm rất hiệu quả, các TCTD khác hoàn toàn có thể liên kết với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để triển khai cơ chế huy động, quản lý vốn vay và phương thức trả nợ vay. "Nếu áp dụng mô hình VBSP đang triển khai rất thành công, chi phí cho cán bộ tín dụng giảm nhiều, vì trong làng xã các tổ chức chính trị xã hội rất gần với người dân. Tôi đồng tình, khuyến khích các TCTD áp dụng mô hình như vậy", Thống đốc nói.
Thống đốc cũng đề xuất, nên có sổ tay hướng dẫn về quy trình cho vay vốn, trên cơ sở đó phối hợp các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền cho người dân, rất minh bạch công khai. Nghiên cứu để áp dụng khoa học công nghệ, ngành Ngân hàng là một ngành tác động mạnh nhất trong phát triển khoa học công nghệ. Áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, chúng ta có thể đơn giản hóa thủ tục, tiết giảm chi phí.