Phiên chất vấn 6/11 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có bổ sung cho phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những khó khăn vướng mắc liên quan đến Nghị định 67.
Nêu vấn đề, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho biết, riêng tại Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá. Tổng số tiền cho vay gần 931 tỷ đồng và ngân hàng đã giải ngân 911 tỷ đồng. Vì vậy, nhờ cú hích Nghị định 67, tàu cá được hiện đại hóa để vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số bất cập đã phát sinh như chi phí vận hành tàu sắt lớn, gồm có chi phí nhân công nhiều người hơn và nhiên liệu nhiều hơn nhưng đánh bắt sản lượng tăng không bao nhiêu nên ngư dân chậm trả nợ hoặc không trả nợ, tác động lớn đến tình hình tài chính của các ngân hàng tham gia cho vay theo Nghị định 67.
"Nhiều ngư dân tiên phong vay vốn đóng tàu vươn khơi bỗng chốc trắng tay, nợ nần. Ở Bình Định có ngư dân cùng đường vì đã vay tín dụng "đen" phải bỏ trốn, gia đình tan nát", đại biểu Nhường nói.
Trả lời bổ sung các giải pháp để giải quyết những vướng mắc liên quan đến vấn đề trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay còn lại theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng, nợ xấu chiếm khoảng 33%.
Ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
"Trên thực tế đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho rất nhiều khách hàng nông dân và ngư dân vay vốn. Song song, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, nợ lãi sau và thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu…", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu.
Về giải pháp, từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước với trách nhiệm theo dõi các hoạt động tín dụng của mình đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan triển khai các biện pháp. Gần đây nhất, ngày 30/10, sau khi làm việc với các địa phương và bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có báo cáo Thủ tướng để có các giải pháp căn cơ triển khai xử lý.
Tuy nhiên trước diễn biến nợ xấu ngày càng phát sinh, Thống đốc mong muốn tới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Chính phủ và phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy hải sản và các nhóm nghề, ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác hiệu quả và bền vững hơn.
UBND các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có từ cuối năm 2018, trong đó tập trung phối hợp với ngành ngân hàng rà soát các trường hợp cụ thể. Trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ cùng với ngành ngân hàng để cơ cấu lại nợ cho ngư dân, còn trong trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ì thì cũng phối hợp để thu hồi nợ.
Thống đốc cũng cho biết, bản thân ngành ngân hàng sẽ chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt là có giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm được bàn giao.
Đồng thời hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.