• Kiểm soát tốt lạm phát cơ bản, ổn định được tỷ giá cùng tạo niềm tin trên thị trường
• Tín dụng tăng mạnh trở lại từ tháng 5 đến nay, nới chỉ tiêu tăng tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí nới cao hơn nhu cầu
• Mở rộng diện hỗ trợ bị ảnh hưởng Covid-19, sẽ có biện pháp mạnh tạo vốn - lực lan toả
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, diễn ra ngày 2/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết một số diễn biến mới trong điều hành chính sách tiền tệ.
Trước hết, nhìn lại 6 tháng qua, yếu tố niềm tin được Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Đó là từ kết quả kiểm soát lạm phát cơ bản (mang yếu tố tiền tệ) 6 tháng đầu năm ở mức 2,81%, cho thấy điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, góp phần duy trì mức lạm phát bình quân chung khoảng 4,19%.
Lạm phát được kiểm soát là yếu tố quan trọng để tạo lập nền tảng và duy trì lòng tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước vào môi trường và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Cùng đó, tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nửa đầu năm nay, duy trì trong biên độ 0,2-0,3%, đi cùng với việc gia tăng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên cao nhất từ trước tới nay.
Việc duy trì ổn định tỷ giá đã đóng góp rất quan trọng vào việc ổn định lạm phát. Tỷ giá ổn định cũng là lợi ích cụ thể và trực tiếp đối với nhà đầu tư nước ngoài, yếu tố góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Đây cũng là yếu tố quan trọng để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm duy trì mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, cũng như duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt đây cũng là yếu tố để chúng ta thu hút đầu tư góp phần phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới sau dịch”, Thống đốc nhìn nhận.
Ở điểm nhấn mạnh thứ hai, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước điểm lại, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn thấp và tín dụng tăng trưởng chậm, đặc biệt tháng 4-5 khá yếu.
Nhưng, từ cuối tháng 5 đến nay tín dụng đã tăng trưởng khá mạnh trở lại. Đến ngày 29/6 tín dụng tăng 3,26%. Trước đó, tháng 3 tín dụng mới chỉ tăng khoảng 1,13%; tháng 4 tăng 0,12%; nhưng đến tháng 5 đã tăng lại 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.
Trước diễn biến trên, cùng với cân đối thanh khoản và nguồn vốn thuận lợi của hệ thống, ngay từ đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh tín dụng hỗ trợ phục vụ cho tăng trưởng; nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại, thành viên nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.
Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, giải pháp về cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, và trong thời gian cơ cấu lại nợ thì khách hàng vay vốn không phải trả nợ gốc và lãi đến hạn, được miễn giảm lãi và phí cũng như giảm lãi suất (Thông tư 01) là những giải pháp mạnh.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp đến một loạt các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm, làm việc trực tiếp với các hiệp hội, đối thoại với doanh nghiệp để trực tiếp nắm bắt những vướng mắc từ thực tế, trên cơ sở đó từng bước tháo gỡ.
Thống đốc cập nhật, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 180.000 tỷ đồng; miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng, với dư nợ xấp xỉ 1,3 triệu tỷ đồng; cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ đồng cho xấp xỉ 240.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2,5%/năm so với trước dịch.
Qua trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp các địa phương, cũng như kiến nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020 cũng như các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại, mở rộng diện hỗ trợ so với hiện nay.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định mục tiêu góp phần kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế; sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
“Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong tường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc cho biết.