Sáng nay ngày 02/01/2020, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019 là năm bản lề quan trọng của hoạt động ngân hàng và ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Tỷ giá và lãi suất được duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát tốt trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính toàn cầu có nhiều biến động, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng.
Liên quan đến việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam không thao túng tiền tệ.
Công tác quản lý dự trữ ngoại hối đảm bảo đúng quy định của Chính phủ là an toàn tuyệt đối, hiệu quả và sinh lời. Chênh lệch thu chi trong hoạt động của NHNN tăng mạnh, tạo được nguồn kết dư bằng tiền lớn và NHNN đã nộp ngân sách 19.500 tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng điều hành hợp lý. Nhu cầu tăng trưởng kinh tế là đương nhiên, tuy nhiên Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu NHNN thường xuyên đảm bảo đủ vốn cho nền kinh tế nhưng đảm bảo chất lượng, không gây rủi ro cho kinh tế vĩ mô. Tín dụng đến hết năm 2019 đã tăng xấp xỉ 14%, tương đương cung cấp khoảng 8,2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế.
Chất lượng tín dụng trên GDP được kiểm soát tốt. Giai đoạn 2009-2010 tăng trưởng tín dụng/GDP khoảng 2,4 lần, cá biệt năm 2007 là 5,3 lần nhưng đến nay tỷ lệ đã về dưới 2 lần (năm 2018- 2019) và dự kiến năm nay cũng dưới 2 lần – cho thấy hiệu quả rất tốt.
Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2019 bao gồm cả nợ tiềm ẩn chỉ khoảng 4,59% - thấp hơn rất nhiều so với con số báo cáo Quốc hội đầu nhiệm kỳ (hồi năm 2016) là 10,8%. Như vậy mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 5% là đã đạt được, tới đây sẽ đưa tỷ lệ này về dưới 3%.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, NHNN có 4 năm liên tiếp đứng đầu. Chất lượng cải cách thủ tục hành chính không chỉ được nâng cao nội bộ mà còn giữa NHNN với các TCTD, giữa các TCTD với khách hàng, qua đó tiết kiệm được nhiều chi phí.
NHNN bên cạnh những mặt làm tốt thì cũng thẳng thắn nhìn vào các mặt chưa làm được mà thời gian tới phải tập trung xử lý quyết liệt.
Thứ nhất là công tác điều hành CSTT: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, Việt Nam phải làm tốt hơn nữa với nhiều kịch bản điều hành chính sách tiền tệ khác nhau, đòi hỏi phải năng động, chủ động bám sát thị trường để kịp thời tham mưu cho Chính phủ...
Hai là, đảm bảo cung ứng đủ vốn song song với kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.
Ba là công tác thanh tra giám sát cần tăng cường củng cố cả thanh tra từ cấp trung ương đến địa phương, tăng các cảnh báo từ xa, xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm. Quyết liệt xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các TCTD, xây dựng và hoàn thiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nghiên cứu sửa đổi Luật ngân hàng, luật Bảo hiểm tiền gửi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ…