Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong 6 tháng đầu năm với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều thách thức lớn nhưng toàn ngành Ngân hàng đã đoàn kết, với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về cơ bản, lạm phát được kiểm soát, nhiều dự báo cho thấy khả năng lạm phát đạt được trong vùng mục tiêu đã đề ra của năm 2024 là rất cao.
Đồng thời, chính sách tiền tệ cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,42% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, an toàn hệ thống được đảm bảo…
Bên cạnh điều hành chính sách tiền tệ, công tác quản lý nhà nước về tín dụng, Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025" cũng đang được thực hiện quyết liệt.
Hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
"Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. NHNN đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để đảm bảo thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024", Thống đốc đề cập.
Về phía các ngân hàng thương mại, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, xác định năm 2024 là một năm hành động vượt khó, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm, toàn hệ thống Agribank đã nỗ lực, phát huy tối đa kết quả đã đạt được năm 2023, tập trung tối đa mọi nguồn lực chủ động, linh hoạt ứng phó với các diễn biến.
Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, ngân hàng triển khai 14 chương trình/sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới trong đó có 09 chương trình đối với KHCN, 05 chương trình cho KHDN; Tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ lên 8.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngân hàng đã 04 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Một số chương trình tín dụng ưu đãi được ngân hàng triển khai rất hiệu quả. Đơn cử chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, doanh số cho vay đạt 7.183 tỷ đồng với trên 5.000 lượt khách hàng được giải ngân.
Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng, Agribank cũng là ngân hàng giải ngân nhiều nhất.
Theo đó, Agribank đã phê duyệt 11 Dự án Nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ, dư nợ cho vay 657 tỷ đồng. Dự kiến, ngân hàng sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Hiện nay, Agribank đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng lưu ý, ngành Ngân hàng còn đối diện nhiều thách thức. Hiện thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng; có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi, song không trả nợ cũ, không đủ diều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay,…đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì "mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn".
Cũng theo ông Hùng, nợ xấu có nguy cơ tăng cao cũng là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Đến cuối tháng 5/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,94%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 5/2024 là 6,9%.
Trong nửa cuối năm, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh đó, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu các TCTD triển khai giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thực chất, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý, các đơn vị chức năng đã tham mưu cho NHNN ban hành nhiều thông tư quan trọng. Vì thế, các tổ chức tín dụng cũng cần chú trọng việc phổ biến, quán triệt thông tư tới toàn hệ thống, đảm bảo thông tư đi vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông để doanh nghiệp, người dân hiểu được chính sách. Bản thân tổ chức tín dụng cũng phải căn cứ quy định mới để rà soát, sửa đổi quy trình hoạt động, nghiệp vụ của tổ chức mình sao cho phù hợp.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng tới việc nâng cao quản trị, điều hành, dự báo từ sớm, từ xa các nguy cơ để đảm bảo an toàn hệ thống. Hoạt động quản trị rủi ro của các tổ chức tín dụng phải bao quát, toàn diện với tất cả các mặt hoạt động.
Đối với riêng hoạt động tín dụng, tổ chức tín dụng phải thường xuyên rà soát, đối chiếu để kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo tín dụng an toàn hiệu quả, phối hợp với sở, ban ngành địa pương để nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó là nâng cao vai trò của ban kiểm soát, kiểm toán nội bộ,...