Công tác tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước coi trọng và là 1 trong những nhiệm vụ cần triển khai mạnh mẽ từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, tại văn bản số 5596 /NHNN-VP gửi các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam(NHNN); Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do Thống đốc NHNN mới ban hành, người đứng đầu ngành ngân hàng đã yêu cầu NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt.
Đồng thời, NHNN khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; tiếp tục xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước (VietinBank, Vietcombank...) thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần;
Kiến nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP để có cơ sở thực hiện tăng vốn cho các NHTM nhà nước; xây dựng lộ trình tăng vốn cho các NHTM nhà nước trong giai đoạn 2021-2026, trong đó có phần tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt...
Về xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD có nợ xấu cao có biện pháp hiệu quả xử lý nợ xấu và ngăn chặn nợ xấu phát sinh. NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn, hỗ trợ TCTD xử lý, phát mại tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Làm tốt công tác quản lý, chấn chỉnh, củng cố hoạt động quỹ tín dụng nhân dân (QTDND)...
Đánh giá kết quả thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" kết hợp với đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kết quả thực hiện mục tiêu của Đề án. Trên cơ sở đó, xây dựng Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.