Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là khoảng 10.500 tỷ đồng, song đáng lo là nợ xấu đã lên tới 33%. Thực tế, từ cuối năm 2018, khi nợ xấu cho vay 67 ngày càng tăng, NHNN đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bàn bạc với các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ. Mới đây nhất, ngày 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương, Bộ, ngành, NHNN đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị các giải pháp căn cơ để triển khai Nghị định 67 một cách bền vững.
Theo đó, Thống đốc đề xuất Bộ NN&PTNT tham mưu cho cho Chính phủ yêu cầu các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất hiệu quả hơn. NHNN cũng đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung phối hợp với ngành ngân hàng rà soát lại các trường hợp nợ xấu liên quan đến tàu 67. Theo đó, với các trường hợp khó trả nợ do hoàn cảnh bất khả kháng thì phối hợp tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình chây ì, UBND các tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành ngân hàng để đẩy mạnh thu hồi nợ.
Trước đó, trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết đến hết ngày 31/12/2017 (thời điểm dừng kí kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân để cho vay đóng mới, nâng cấp 1.177 tàu (1.031 tàu đóng mới và 146 tàu nâng cấp), chiếm 45,2% tổng số tàu cần đóng mới Bộ NN&PTNT phân bổ cho các địa phương giai đoạn 2014 – 2020 với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9/2019, dư nợ cho vay theo chương trình đạt 10.270 tỷ đồng.
Hiện nay, nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển. Nợ xấu bắt đầu phát sinh từ năm 2017 tại 11 tỉnh, thành phố với tỷ lệ 3%; tăng lên 17% vào cuối năm 2018 và đến nay là 27,8% tại 27 tỉnh, thành phố ven biển.