Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về cơ chế cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa vào rất lớn vào vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 124% - một trong những nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới.
"Với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, khi nền kinh tế gặp cú sốc sẽ ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Và khi hệ thống có vấn đề sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế nói chung", Thống đốc nhấn mạnh.
Nói về cơ chế cấp ''room'' tín dụng hiện nay, bà Hồng cho biết, NHNN đã áp dụng chính sách này từ những năm 2011. Đây là biện pháp rất hiệu quả, đưa thị trường tiền tệ ổn định trở lại sau khoảng thời gian tăng trưởng nóng.
"Trước đây, khi chưa có cơ chế kiểm soát tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao. Có nhiều năm tăng trưởng tín dụng trên trên 30%/năm, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên tới 53,8%. Từ đó kéo theo cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền", bà Hồng cho hay.
Theo Thống đốc, kiểm soát tăng trưởng tín dụng là biện pháp khá hiệu quả trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, dần tiến tới chuẩn mực quốc tế trong khi thị trường vốn còn non trẻ.
''Khi thị trường vốn phát triển, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nhiều nguồn vốn trung và dài hạn và chỉ vay vốn lưu động ngắn hạn từ hệ thống ngân hàng thì áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của NHNN mới giảm bớt.'', người đứng đầu NHNN thông tin.
Nói về cách thức đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, bà Hông cho biết, dựa trên chỉ tiêu tăng trưởng GDP và lạm phát mà Quốc hội đề ra, vào đầu năm, NHNN sẽ đưa ra chỉ tiêu định hướng cho cả năm phù hợp với thực tiễn khách quan.
Đối với việc phân bổ hạn mức tăng trưởng cho các ngân hàng, NHNN sẽ có những nguyên tắc chung trên nền tảng phân loại các TCTD. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lạnh manh, quản trị tốt hơn sẽ được tăng trưởng cao hơn.