Chiều ngày 16/11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV bước vào chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chất vấn rằng, 9 tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng 12%, khả năng hấp thụ vốn cuối năm có hạn, lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp, nếu đẩy vốn mạnh quá có thể gây hiệu ứng ngược. Xin thống đốc cho biết giải pháp để đạt được tốc độ tăng trưởng như kế hoạch (là 18% và điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến nền kinh tế) cũng như mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%.
Trả lời đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, căn cứ vào nghị quyết phát triển kinh tế của Trung ương, của Quốc hội, ngành ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2017 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến nền kinh tế.
Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng tăng hơn 13%, nhanh hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước và điều này không có gì đột biến. Quan điểm của chính phủ và ngành ngân hàng đó là đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng và vào các lĩnh vực ưu tiên.
Cũng theo Thống đốc, cơ cấu tín dụng 10 tháng qua đã đúng theo chỉ đạo của Quốc hội và chính phủ đó là vào các lĩnh vực ưu tiên. Từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng phù hợp với nền kinh tế, không gây áp lực đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát.
Thống đốc cho biết thêm, với các giải pháp đã đề ra, từ nay đến cuối năm ngành ngân hàng sẽ đạt mục tiêu tín dụng theo đúng mục tiêu và định hướng về kiểm soát chất lượng.
Riêng về tín dụng nông nghiệp cao mà đại biểu còn băn khoăn là dư nợ vào đây còn ít, doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn, Thống đốc cho biết dư nợ với nhóm này đã đạt khoảng 36.000 tỷ (trong kế hoạch 100.000 tỷ), đã đáp ứng được nhu cầu. Quá trình triển khai trong thời gian ngắn nhưng đạt quy mô như vậy là khá cao.
Về số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn, theo Thống đốc, đã có 6.400 khách hàng, trong đó 6.000 khách hàng là cá nhân, còn lại là doanh nghiệp.
Về việc khó tiếp cận vốn của một số doanh nghiệp, theo Thống đốc, trong thời gian qua dù nhuc ầu cao song các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư công nghệ cao còn hạn chế, khiến các ngân hàng thận trọng trong cho vay. Ngoài ra còn một vấn đề nữa là tiêu thụ sản phẩm – yếu tố quyết định để các ngân hàng giải ngân – lại gặp khó khăn nên ngân hàng cũng không thực hiện được.
Bên cạnh đó, một lý do nữa khiến người có nhu cầu vay vốn phục vụ nông nghiệp chưa được như kỳ vọng đó là giấy chứng nhận tài sản trên đất còn nhiều bất cập nên chưa thể vay được.
Thống đốc nói thêm rằng, với một chính sách mới như nông nghiệp công nghệ cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành.
Về phía NHNN, ngành sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT tạo điều kiện cho doanh nghiệp về các vấn đề liên quan giấy phép đầu tư để đủ điều kiện cho ngân hàng giải ngân.
Bên cạnh đó, hiện Chính phủ đã chỉ đạo, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đã có hướng dẫn về tài sản thế chấp trên đất nông nghiệp. Thống đốc NHNN hi vọng các địa phương sẽ chỉ đạo nhanh cho người dân để dễ dàng tiếp cận vốn hơn, không bị vướng mắc về giấy chứng nhận sở hữu đất.
Còn riêng các ngân hàng, theo Thống đốc, đối tượng vay vốn theo Nghị định 55 đã được mở rộng hơn nhiều so với quy định cũ. Thay vì các đối tượng cho vay chỉ là doanh nghiệp thì nay nghị định đã mở tới hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã.
Với những biện pháp đồng bộ đó, Thống đốc tin rằng thời gian tới tín dụng cho nông nghiệp cao và nông nghiệp sạch sẽ được đẩy nhanh hơn.