Theo Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 1/2022 của Tổng cục Thống kê, quý 1/2022, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán có nhiều triển vọng tích cực với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu ước tính tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).
Báo cáo nhấn mạnh, trong quý 1/2022, lãi suất được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, duy trì nguồn vốn chi phí thấp để các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3%-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2%-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1%-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (4,5%/năm).
Tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều hành linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu của chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong xây dựng và triển khai sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh.
Những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý 1/2022 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, khách hàng tiếp tục lựa chọn các sản phẩm phù hợp để bảo vệ tài chính và kế hoạch hoàn vốn trong tương lai; nhu cầu sản phẩm dành cho trẻ em và hưu trí tăng dẫn đến nhiều thay đổi trong chính sách bảo hiểm, góp phần thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ phát triển.
Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm du lịch… ngày càng đa dạng, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Những tháng đầu năm 2022, các lĩnh vực của nền kinh tế có xu hướng phục hồi và tăng trưởng, tác động tích cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 25/3/2022, chỉ số VNIndex đạt 1.498,5 điểm, tăng 0,5% so với thời điểm ngày 31/12/2021. Đến ngày 14/3/2022, mức vốn hóa thị trường đạt 7.628,6 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng thời điểm năm 2021.
Trong tháng 3/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 34.994 tỷ đồng/phiên, tăng 27% so với tháng trước. Tính chung quý 1/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 31.409 tỷ đồng/phiên, tăng 18,1% so với bình quân năm trước.
Thị trường cổ phiếu hiện có 768 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 882 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.777 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2021.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng 3/2022 đạt 11.217 tỷ đồng/phiên, giảm 20,2% so với tháng trước. Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 13.149 tỷ đồng/phiên, tăng 15,3% so với bình quân năm 2021.
Thị trường trái phiếu hiện có 424 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.606 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng 3/2022 đạt 137.205 hợp đồng/phiên, giảm 0,1% so với bình quân tháng trước; giá trị giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 35,81 tỷ đồng/phiên, giảm 9%.
Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 139.076 hợp đồng/phiên, giảm 26% so với bình quân năm trước; giá trị giao dịch bình quân sản phẩm chứng có có bảo đảm đạt 38,42 tỷ đồng/phiên, giảm 46%.