Kinh tế ngầm tồn tại ở tất cả nền kinh tế nhưng ít được thừa nhận, nhắc tới. Có thể hiểu nó là một bộ phận không được tính đến của nền kinh tế, gồm hợp pháp và cả phi pháp.
Trong nghiên cứu của mình, giáo sư Friedrich Schneider thuộc Đại học Johannes Kepler of Linz (Áo) cho thấy ở hơn 50 nước trên thế giới, quy mô của kinh tế ngầm ít nhất cũng tương đương 40% GDP chính thức.
Cũng theo nghiên cứu này, những nước có hệ thống luật pháp và thu thuế hiệu quả nhất, thì nền kinh tế ngầm tồn tại với quy mô nhỏ.
Tại Việt Nam, khu vực kinh tế ngầm còn được biết đến với cái tên khác là kinh tế phi chính thức, tồn tại tuy âm thầm nhưng khá hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan quản lý cho rằng đã đến lúc thu thập đầy đủ thông tin của khu vực trên nhằm có được bức tranh kinh tế toàn diện để tính toán đầy đủ trong GDP – như nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
"Việc tính toán, thống kê khu vực kinh tế ngầm để có cái nhìn toàn cảnh là cần thiết nhưng không dễ dàng", chuyên gia Phạm Chi Lan chia sẻ với báo Trí Thức Trẻ.
Bà cho biết tình trạng này đang diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới với tỷ trọng từ 16 – 25% GDP của các quốc gia. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao, thể chế khá hoàn thiện cũng rất khó khăn trong việc kiểm soát khu vực kinh tế này.
Do đó, việc thống kê lại là không dễ, theo bà Chi Lan. Cách tích cực nhất ở Việt Nam lúc này là kiểm soát tốt hệ thống kinh tế chính thức mà cụ thể là doanh nghiệp nhà nước. Hiện DNNN tuy là hữu hình, được nắm trong tay nhưng Chính phủ vẫn chưa thực sự kiểm soát được khối tài sản khổng lồ này.
"Nắm chắc DNNN là tăng được hiệu quả kinh tế rất nhiều rồi chứ không phải lôi khu vực kinh tế ngầm vào là có thể thay đổi bộ mặt kinh tế", bà Lan nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng tỏ ra nghi ngại nếu thống kê được khu vực kinh tế ngầm sau đó tính thêm vào GDP, khiến mẫu số trong cách tính nợ công/GDP tăng khiến tử số - ở đây là nợ công có thể được mở rộng thêm. Điều này có thể gây tác động ngược đến nền kinh tế.
Đây cũng là lo ngại của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách.
Ông Thành cho rằng đề án trên, sâu xa là có thể giúp Chính phủ có quyền tăng nợ công vì nợ công được Quốc hội đưa ra dựa trên GDP. Vì vậy nếu mẫu số to lên, tử số cũng được nhích theo. Bên cạnh đó, việc GDP tăng khi được cộng cả khu vực này vào có thể khiến thay đổi một loạt chỉ tiêu vĩ mô như tăng thuế, tăng thu, tăng nợ của cả nền kinh tế nói chung trong khi khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được. Dường như cả nền kinh tế "thực" sẽ phải gánh nhiều tác động hơn, còn kinh tế ngầm ngoài việc ra ánh sáng thì cũng không có gì thay đổi.