Khu vực kinh tế chưa được quan sát ngày càng đa dạng, phức tạp và tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Có không ít hoạt động kinh tế bị bỏ sót nên khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp chưa được nhận thức đầy đủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2020 sẽ chính thức thống kê khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức chưa được quan sát vào GDP như chạy xe ôm, bán trà đá, bán bún riêu bún ốc...
(Ảnh minh họa: KT)
|
Theo ông Lâm, những năm vừa qua, ngành thống kê đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thu thập thông tin thống kê, nhất là thông tin đầu vào, góp phần giảm thiểu phạm vi và quy mô của khu vực kinh tế này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho hay, khu vực kinh tế chưa quan sát (NOE) gồm 5 nhóm: kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức, tự sản tự tiêu hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong thu thập dữ liệu thống kê.
Sẽ khó có một chính sách bao trùm nếu như bỏ sót một phần khá lớn hoạt động của nền kinh tế. Một khi không quan sát và nhận diện hết được các đặc tính riêng của một khu vực nào đó, các chính sách thường không thực tế - chính sách "bàn giấy", ông Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm.
TS. Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng tồn tại kinh tế phi chính thức, nhưng tỷ trọng của kinh tế phi chính thức ở Việt Nam quá cao. Theo thống kê hiện nay, kinh tế tư nhân chiếm 12,2% GDP, còn kinh tế hộ gia đình (là kinh tế phi chính thức) chiếm tới 32% GDP, nhưng khu vực kinh tế hộ gia đình chỉ nộp khoảng 0,8% của nguồn thu ngân sách.
Lý giải vì sao có sự chênh lệch rất lớn này, TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ: “Kinh tế phi chính thức hộ gia đình nộp thuế khoán, và thuế khoán thì người chủ hộ và cán bộ thuế thương lượng với nhau, và nếu thương lượng thì mỗi bên đều có lợi, chỉ có ngân sách là thiệt. Tổng cục Thuế đã dành một lực lượng rất lớn (24% lực lượng) để thu thuế từ các hộ gia đình này, nhưng chỉ thu được 0,8%, và không ai trong số cán bộ thuế ấy muốn đi thu thuế ở những nơi khác".
Về việc nộp thuế, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho hay, ngành thuế muốn đánh thuế ông xe ôm, bà bán bún riêu bún ốc, vấn đề là phải chi phí như thế nào để đánh thuế được người chạy xe ôm.
Bà Lê Thu Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế), thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nêu rõ: Các đối tượng thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát và các đối tượng thu thuế là không giống nhau.
Bà Lê Thu Mai
"Chẳng hạn việc ông xe ôm, cơ quan thuế sẽ tìm phương án thu thuế thu nhập cá nhân đối với những người có tổng doanh thu từ 100 triệu/năm trở lên. Những người xe ôm thu nhập dưới 100 triệu/năm vẫn là đối tượng thuộc diện thống kê nhưng lại không phải là đối tượng thu thuế của cơ quan thuế", bà Mai nói.
Đối với các nghệ sĩ có mức thu nhập cao, bà Lê Thu Mai cho hay, cơ quan thuế dựa vào bảng kê khai của đơn vị chi trả thù lao cho nghệ sĩ. Căn cứ vào các hợp đồng của các đơn vị với nghệ sĩ mà từ đó thu thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, có nguồn thông tin khác để điều tra xác định mức và tính toán ngưỡng vào dịp cuối năm để thu thuế của các nghệ sĩ./.
Với mục tiêu thống kê đầy đủ, toàn diện quy mô nền kinh tế, hoàn thiện chuyên môn, chuẩn mực thống kê theo thông lệ quốc tế, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (NOE) và giao cho Tổng cục Thống kê thực hiện. Dự kiến từ năm 2020 trở đi sẽ cộng gộp quy mô NOE vào GDP của Việt Nam.
Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 nhóm: Hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế bất hợp pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình; hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê./.