Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, theo thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
Được biết, Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của gạo Việt Nam nên Bộ Công Thương cho rằng cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.
Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Cùng với đó, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp "bỏ thầu giá thấp".
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại. Tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công thương và các cơ quan chức năng có liên quan nếu có.
"Báo cáo này được yêu cầu gửi về cho Cục Xuất nhập khẩu trước ngày 31/5", văn bản nêu rõ.
Những ngày gần đây, câu chuyện khiến cả ngành lúa gạo xôn xao là một số DN Việt Nam trúng thầu gạo với giá khá thấp, trong đó có Tập đoàn Lộc Trời. Trong khi đó, các DN quốc tế trúng thầu với giá thấp nhất 621,5 USD/tấn - cũng là giá chào ban đầu.
Các DN xuất khẩu gạo Thái Lan cũng tham gia chào thầu 3 lô mỗi lô 30.000 tấn với các mức giá thấp nhất là 649 USD/tấn. Các mức giá còn lại là 656,58 và 658,5 USD/tấn. Các DN Thái kiên quyết không giảm giá và cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) sẽ phải mời lại thầu trong thời gian tới.
Một trong 2 đơn vị trúng thầu gạo sang Indonesia có phân trần rằng bán giá thấp vì gặp áp lực về tài chính nhưng cam kết luôn đảm bảo "bán giá nào" cũng không ảnh hưởng tới bà con nông dân.
Có ý kiến nhìn nhận quyết định mức giá bỏ thầu như thế nào là quyền của DN. Nếu giá trúng thầu thấp quá mà mặt bằng trong nước khá cao, DN sẽ lỗ. Nhưng một số DN trong ngành lại tỏ ra bức xúc vì điều này có thể khiến họ phải cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng giá trị của gạo Việt Nam.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.
Dù vậy, ông cũng nêu một số thông tin khiến ngành lúa gạo "mất vui" vì doanh nghiệp này nợ tiền lúa nông dân, hay việc doanh nghiệp xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.
"Do tồn kho nhiều nên phải bán giá thấp nhưng vì lý do gì đi nữa cũng không thể chấp nhận bán thấp hơn các nước. Giá thấp thì DN sẽ lỗ nhưng còn ảnh hưởng tới cả ngành hàng", ông Nam nói. Đồng thời đề nghị Liên Bộ Công Thương - NN&PTNT và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.