Là người được Ban Giám đốc Tổng Cty VEC phân công trả lời những vấn đề được lái xe, đại diện doanh nghiệp (DN) vận tải phản ánh và báo Tiền Phong đã đăng tin, bài ngày từ 15/9 đến nay , ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam - Cty trực thuộc VEC đang quản lý, vận hành thu phí trên 2 tuyến cao tốc là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi toàn quốc, VEC cũng như các doanh nghiệp (DN) khác đang bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong đó có, kế hoạch sản xuất kinh doanh bị đảo lộn, lượng phương tiện sụt giảm nghiêm trọng đến trên 50% lưu lượng xe. Thậm chí, từ cuối tháng 7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, buộc VEC phải xây dựng p hương án điều chỉnh, dừng thu với đoạn nằm trên địa bàn Hà Nội ở cả hai tuyến cao tốc đơn vị đang quản lý .
Có gây khó khăn, phiền hà cho lái xe
Vậy những nội dung lái xe, DN vận tải phản ánh trên báo Tiền Phong vừa qua ông có đánh giá thế nào?
Việc điều chỉnh, xây dựng phương án thu phí từ trạm KM6 Sóc Sơn (Hà Nội) về trạm IC3 tại Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với đơn vị vận hành là tối ưu nhất trong các phương án VEC đã tính toán. Tuy vậy, do điều kiện cấp bách về thời gian (Chỉ thị thực hiện giãn cách thành phố Hà Nội ban hành trong đêm) nên việc triển khai phương án thu phí tại nút giao IC3 Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) chỉ diễn ra trong sáng ngày hôm sau nên không tránh khỏi những hạn chế, phát sinh chưa lường trước được.
Xe dừng thực hiện thu phí thủ công trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: X.H
Đặc biệt việc trên đã gây ra những phiền hà, khó khăn cho phương tiện vận tải khi từ cao tốc phải đi ra nút giao IC3 để trả thẻ, trả phí. Do vậy, trước các phản ánh của báo Tiền Phong, VEC xin tiếp thu, ghi nhận trên tinh thần cầu thị. Tiếp đó, VEC mong muốn nhận được sự chia sẻ của lái xe, doanh nghiệp (DN) và các Hiệp hội vận tải. Và tất nhiên sau đó, việc cần làm ngay là VEC sẽ rà soát lại công tác tổ chức thu phí trong hơn 1 tháng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc triển khai cao điểm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, từ đó đánh giá những mặt được, những mặt còn hạn chế để có những điều chỉnh cho phù hợp, đưa ra phương án tốt hơn nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Tuyến chưa áp dụng công nghệ thay cho thu tiền mặt
Thưa ông, để thu phí cho các đoạn cao tốc ngoài Hà Nội, có nhất thiết VEC phải “rào ngang đường”. VEC có thể thu tiền từ đầu vào, hoặc áp dụng công nghệ?
Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai trải dài suốt 245 km, đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Trên dọc hành trình này có tới 12 nút giao và 14 trạm thu phí. Tại các vị trí này xe nhập, tách cao tốc thường xuyên, nhiều xe không đi hết cả tuyến. Để tính mức vé tương ứng cho mỗi đoạn nút giao này, VEC đã phải phát hành đến 60 loại vé có mệnh giá khác nhau.
Theo VEC, do chưa áp dụng công nghệ nên thu phí trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vẫn thu tiền mặt, việc này khiến xe phải đi vòng khi trạm Km6 Hà Nội dừng hoạt động. Ảnh: X.H |
Khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, trạm thu cuối chiều Lào Cai - Nội Bài là Km6 dừng thu phí, đơn vị vận hành không thể để xe về đến trạm Km6 được, như vậy sẽ thất thu cho nhà nước trong việc hoàn vốn dự án. Hơn nữa, trên dọc hành trình có 12 nút giao, xe nhập, tách cao tốc thường xuyên nên càng không thể thực hiện hình thức thu trên. Thực tế việc thu tiền ngay đầu vào như phóng viên đề cập VEC cũng đã triển khai trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16. Sở dĩ VEC triển khai ở đây được vì tuyến đường này có cự ly ngắn (70 km) và ít nút giao ra vào hơn so với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Nếu áp dụng công nghệ để giải quyết các tình huống như vừa qua chúng tôi đánh giá là một giải pháp tối ưu, văn minh và hiệu quả nhất. Hiện nay, tuyến Nội Bài - Lào Cai chưa triển khai được thu phí không dừng (ETC) do chưa bố trí được nguồn kinh phí đầu tư. Đây là nguyên nhân, toàn bộ xe lưu thông trên tuyến vẫn phải phát thẻ điện tử và thu tiền mặt ở trạm khi đi ra khỏi cao tốc.
Trước sự cố bất khả kháng do ảnh hưởng COVID-19 vừa qua, hiện VEC đang khẩn trương tìm nguồn vốn đầu tư và giải pháp công nghệ thu phí hiện đại để thực hiện. Công nghệ thu phí không dừng (ETC) hiện tại khi áp dụng vào dự án cũng sẽ giải quyết được tình trạng xe tập trung chờ thanh toán phí bằng tiền mặt khi qua trạm; tuy nhiên việc này cũng chưa triệt để vì vẫn có thể gây thất thoát thẻ do tỷ lệ các phương tiện sử dụng thẻ ETC hiện tại ở Việt Nam chưa cao, với tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình qua thống kê là chiếm 40% lưu lượng xe qua trạm.
Giảm tối đa bất tiện, bức xúc của người dân
Vậy nếu thời gian tới không may phải thay đổi phương án thu phí như vừa qua, VEC sẽ xử lý thế nào thưa ông?
Đúc rút kinh nghiệm từ sự việc vừa qua và tiếp thu phản ánh của báo chí, lái xe và DN vận tải, thời gian tới nếu tiếp tục phải thực hiện thay đổi thu phí không chỉ trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mà còn các tuyến khác, VEC sẽ nghiên cứu xây dựng phương án tổ chức thu hoàn chỉnh hơn, giảm tối đa bất tiện, bức xúc của dư luận và người tham gia giao thông. Đặc biệt, giải pháp tối ưu, giải quyết được hiệu quả nhất mà VEC đang tính đến là sớm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức thu phí. Cùng với đó, trước khi thực hiện VEC sẽ tổ chức tuyên truyền, tổ chức thêm các làn xe thông hành hợp lý, cắm biển hướng dẫn từ xa để người tham gia giao thông, lái xe sớm nắm bắt, có sự chuẩn bị từ trước.
Xin cảm ơn ông!
Tổng Cục ĐBVN tiếp nhận thông tin và có hướng xử lý phù hợp?
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22/9, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết , với vai trò được Bộ GTVT giao quản lý lĩnh vực thu phí, Tổng cục không buông lỏng nhiệm vụ được giao. Các vấn đề liên quan đến thu phí, đơn vị luôn muốn nhìn nhận, giải quyết dưới góc độ đa chiều, cầu thị.
Theo ông Thắng, vụ việc TCty VEC phải điều chỉnh phương án thu phí và tổ chức giao thông để thực hiện thu phí tại trạm IC3 vừa qua là bất khả kháng, chưa có tiền lệ. Cộng với đó, phương án đưa ra trong thời điểm gấp gáp nên không tránh được những lúng túng, bức xúc của lái xe khi bị thay đổi hướng đi.
Tổng cục nghiêm túc ghi nhận việc này và đã giao các Vụ, Cục có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý từng nội dung báo Tiền Phong và lái xe, DN vận tải phản ánh . Cùng với đó, Tổng cục sẽ có yêu cầu VEC rà soát, báo cáo lại việc này. Trên tinh thần cầu thị, cái gì được thì cần phát huy cái gì chưa được thì phải chấn chỉnh.
Với phương án đoạn Cầu Giẽ - Vực Vòng trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ông Thắng cho biết, do thời gian qua Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 đoạn này (trong đó có 6 km trên địa bàn Hà Nội - PV) VEC vẫn thu phí bình thường theo phương án tài chính thì sau giãn cách, VEC không được xem xét thu thêm, thu bù.