Trả lời câu hỏi tại tọa đàm về "Trách nhiệm của người tiêu dùng để xảy ra vấn nạn thực phẩm bẩn?", ông Hùng cho biết, trong nghị quyết Quốc hội cũng có nêu về trách nhiệm người tiêu dùng.
Từ góc độ Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông đánh giá nghị quyết của quốc hội là chính xác, tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay chưa đúng mức.
Theo đó, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.
Ông chia sẻ thêm, chuỗi thực phẩm kiểm soát chưa tốt và người tiêu dùng vẫn còn mông lung, truy suất nguồn gốc còn nhiều khó khăn, một trong số quyền người tiêu dùng là quyền thông tin còn bị nhiều hạn chế.
Ông đề nghị, đơn vị sản xuất kinh doanh cần hỗ trợ người tiêu dùng kiểm tra thông tin sản phẩm.
"Rất nhiều điểm bán hàng trưng biển lên là rau sạch, sản phẩm sạch nhưng có sạch hay không lấy gì để đảm bảo? Người ta cũng có tem nhưng tem là ai cấp ra? Người tiêu dùng không biết tem này là cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp dán hay người bán hàng tự dán? Thông tin rất mù mờ thành ra ngay cả doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế cũng không xong", ông Hùng cho biết tại hội nghị.
Về phía người tiêu dùng, theo ông Hùng, người tiêu dùng cần được bảo vệ 2 quyền.
Thứ nhất là quyền thông tin. Hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiên phát triển.
"Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận giá đắt hơn 2-3% nhưng phải an toàn. Nhưng số tiền bỏ ra đó có mua được sản phẩm chuẩn hay không là cả vấn đề. Có thể nói giữa người sản xuất và người tiêu dùng chưa "gặp" được nhau". - ông Hùng thông tin.
Thứ hai là quyền an toàn. Hiện nay rất nhiều thực phẩm của chúng ta vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc thực phẩm.
Theo ông Hùng, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội quan tâm, thái độ đối với hành vi thực phẩm đã được quan tâm và thể hiện rõ bằng luật pháp, các địa phương cũng đã có các cơ quan chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và còn rất phức tạp.