Phiên giao dịch 30/8 ghi nhận diễn biến tích cực tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với nhiều mã tăng giá mạnh và là động lực chính kéo Vn-Index tăng điểm.
Đóng cửa buổi chiều, cả ba sàn ghi nhận 16 mã ngân hàng tăng giá, 8 mã giảm và 3 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, VCB gây ấn tượng với mức tăng 4,2% đạt 86.000 đồng/cp. Cùng với giá, thanh khoản của VCB cũng tăng mạnh với 2,5 triệu đơn vị được giao dịch khớp lệnh, gấp hơn 2,5 lần mức trung bình 10 phiên gần nhất.
Cổ phiếu BID cũng bật tăng mạnh khi chạm mức 40.450 đồng trong phiên sáng, tương đương tăng 3,7%. Dù hạ nhiệt sau đó, BID vẫn duy trì được mức tăng trên dưới 2% trong hầu hết thời gian phiên chiều đi cùng khối lượng giao dịch ở mức cao.
Không kém cạnh, CTG cũng có lúc đạt 28.550 đồng/cp, tương ứng tăng hơn 2,3% và đóng cửa ''xanh6'' 1,8%. Thanh khoản cả ngày đạt xấp xỉ 3,6 triệu đơn vị, giá trị 102 tỷ đồng.
Với diễn biến trên, 3 cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh đều nằm trong Top5 mã có tác động tích cực nhất đến chỉ số Vn-Index; riêng VCB kéo chỉ số này tăng hơn 4 điểm.
Cùng với nhóm quốc doanh, một số cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên UPCoM cũng bật tăng mạnh trong phiên hôm nay như KLB, NAB, VBB, VAB, BVB. Trong khi LPB, MBB, HDB đóng cửa tăng trên 1%.
Bên cạnh tâm lý tích cực của nhà đầu tư nội, đà tăng của một số cổ phiếu ngân hàng cũng có sự đóng góp của khối ngoại khi nhóm này mua ròng tại một số mã như CTG, HDB và VCB.
Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng tại HDB với khối lượng gần 436.000 đơn vị. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại HDB đã đạt gần 17,8%, tương đương 361 triệu cổ phiếu và tiến gần đến mức tối đa được phép là 18%.
Ngân hàng là nhóm có diễn biến tích cực nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây khi nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vào cuối quý III.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm diễn ra vào sáng ngày 26/8, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chậm nhất là đầu tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Việc nới ''room'' tín dụng có ý nghĩa quan trọng đối với các ngân hàng khi hầu hết đều đã cạn hạn mức được cấp từ đầu năm. Trong khi thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu chính của ngành ngân hàng với tỷ trong đóng góp khoảng 70 - 80% tổng nhập hoạt động.
Theo giới phân tích, MB cùng với Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Do đó, những ngân hàng này sẽ được NHNN ''thoáng hơn'' trong việc xem xét nới ''room''. Ngoài ra, những ngân hàng có kế hoạch tiếp nhận bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém cũng có thể được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và các năm tới.
''Các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt như MB, Vietcombank, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB,.. sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Ngoài ra, trong thời gian tới, các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém sẽ có lợi thế về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác '', Chứng khoán Vietcombank nhận định.
Được biết, hiện có 4 ngân hàng đã công bố phương án hoặc có ý định nhận chuyển chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém là Vietcombank, MB, HDBank và VPBank.
Trong đó, MB và Vietcombank ngay từ đầu năm đã lên kế hoạch tiếp nhận nhận bắt buộc một tổ chức tín dụng và đã được đại hội cổ đông thông qua. Trong khi lãnh đạo VPBank cũng từng cho biết ngân hàng đang nghiên cứu việc nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém. Mới nhất, cổ đông HDBank đã thông qua kế hoạch tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.