Thông tin về hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp (DN) sau một số vụ thanh, kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang... dù chưa biết có sai phạm hay không, đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu, uy tín của DN. Vậy quy trình kiểm tra của cơ quan quản lý có đúng?
Lỗi nhỏ, thiệt hại nặng!
Hơn 1 tháng sau vụ Công ty CP Con Cưng (chuỗi siêu thị Con Cưng) bị nghi vấn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập tổ rà soát, đánh giá lại quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với DN này của Cục QLTT. Trước đó, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết luận kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Con Cưng, cho thấy DN này có hồ sơ nhập khẩu hàng hóa, thủ tục hợp lệ. Những lỗi này là không lớn, chủ yếu vi phạm hành chính nhưng trong suốt quá trình kiểm tra, DN đã chịu rất nhiều áp lực từ khách hàng, cơ quan quản lý.
Lượng khách hàng đến hệ thống Con Cưng giảm khoảng 20% so với trước "khủng hoảng". Trả lời báo chí, lãnh đạo Con Cưng cho biết 200 trong số 300 cửa hàng của họ bị kiểm tra, có ngày 95 cửa hàng bị kiểm tra, khách hàng rời bỏ hệ thống này, thiệt hại không chỉ doanh thu mà cả uy tín, thương hiệu trong nhiều năm...
Với trường hợp Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kiều Giang (cơm tấm Kiều Giang), hiện cơ quan quản lý cũng chưa có kết luận cuối cùng về vụ việc DN có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm hay không. Tuy nhiên, đại diện chuỗi cơm tấm nổi tiếng nhiều năm ở TP HCM cho biết lượng khách đến quán giảm 1/3 trong những ngày qua. Lãnh đạo cơm tấm Kiều Giang nhìn nhận chỉ một thông tin ban đầu của truyền thông đã khiến thương hiệu bị ảnh hưởng không nhỏ, gây hiểu lầm trầm trọng.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết theo quy định trong lĩnh vực thực phẩm, muốn bắt lỗi, khẳng định DN làm sai sau khi thanh, kiểm tra phải lấy mẫu xét nghiệm; có cơ quan y tế xác nhận sản phẩm, nguyên liệu, phụ liệu... nào đó ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì DN mới "phục". Quy trình thanh, kiểm tra những vụ vừa qua khiến DN băn khoăn. Đối với các ngành hàng liên quan đến thực phẩm, an toàn sức khỏe người dùng, không phải cứ "nhìn có cảm giác ghê, sợ" là mất an toàn vệ sinh... "Những thông tin này nếu ra dư luận sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu, uy tín DN. Gầy dựng cơ nghiệp hàng chục năm nhưng có thể sụp đổ vì những thông tin ban đầu chưa đúng" - ông Viên nhận xét.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tân Quang Minh (Bidrico), cũng nhìn nhận thực tế các DN khó tránh khỏi những sơ suất trong quá trình hoạt động, sản xuất - kinh doanh (chưa nói đến việc sử dụng nguyên liệu trái quy định). Lỗi nhỏ nhưng nếu cơ quan quản lý thông tin ra dư luận, DN sẽ bị ảnh hưởng.
Lực lượng QLTT lập biên bản thu giữ hóa chất không rõ nguồn gốc tại chợ Kim Biên.Ảnh: Tấn Thạnh
Doanh nghiệp có quyền được bảo mật thông tin
Giám đốc một DN trong lĩnh vực nước uống cho biết tuần rồi, DN ông vừa phải tiếp đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tới làm việc, dù DN không có vi phạm gì. Trước đó, DN cũng nhận được yêu cầu kiểm tra của cơ quan về y tế dự phòng, chưa kể một số cơ quan, ban, ngành cấp huyện nơi công ty đặt nhà máy cũng tới kiểm tra.
Theo các chuyên gia, thanh, kiểm tra là một hoạt động quản lý nhà nước cần thiết để giám sát và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh đúng pháp luật. Việc thanh tra, kiểm tra DN được yêu cầu không quá 1 lần/năm nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh bình thường và không bị cản trở bởi việc thanh tra. Nhưng thực tế, hoạt động thanh, kiểm tra thường không bảo đảm tiêu chí trên.
Luật sư Châu Huy Quang, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết: "Nếu cơ quan chức năng gây thiệt hại cho DN trong quá trình thực hiện công vụ, có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường. DN có quyền yêu cầu bồi thường nếu bị thiệt hại do các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật của cơ quan nhà nước. Dù vậy, cơ chế bồi thường tổn thất về thương hiệu, uy tín, đình trệ kinh doanh do hoạt động thanh, kiểm tra vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ trong thực tế, khó thực thi. Kết quả thanh, kiểm tra không nhất thiết buộc đoàn thanh tra phải xác định được sai phạm của DN". Ngoài ra, việc khiếu nại, bồi thường thiệt hại trong hoạt động thanh, kiểm tra chỉ áp dụng đối với cơ quan thanh tra và DN bị thanh tra. Do đó, mấu chốt nằm ở khâu phân công, phân cấp quản lý khi hiện có quá nhiều cơ quan khác nhau có quyền quản lý đối với một DN, dẫn đến việc một DN có thể chịu sự giám sát chồng chéo của nhiều cơ quan khác nhau.
Theo luật sư Quang, pháp luật hiện hành nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức (điều 13.4 Luật Thanh tra 2010). Do đó, DN có quyền yêu cầu đoàn thanh tra bảo mật toàn bộ thông tin trong quá trình thanh tra cho đến khi có kết luận chính thức để giữ uy tín của DN. Ngoài ra, DN cũng có quyền trao đổi để làm rõ trước với cơ quan quản lý về lý do thanh tra, lịch trình và kế hoạch, nội dung thanh, kiểm tra và tổ chức phối hợp, hợp tác nhưng đồng thời có thể giám sát trực tiếp các hoạt động kiểm tra ngay tại DN mình.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thanh, kiểm tra với mục tiêu nhằm giúp DN tuân thủ quy định của pháp luật tốt hơn, chứ không phải triệt tiêu DN. DN có thể phá sản vì những thông tin sai lệch. Do đó, việc đưa thông tin của cơ quan quản lý và cả truyền thông cũng nên thận trọng.
Hành vi trục lợi phải nghiêm trị
Tại hội nghị triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT ngày 22-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đối với lực lượng QLTT, những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn là không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng. Bên cạnh đó, những hành vi có dấu hiệu trục lợi, cấu kết vi phạm pháp luật để dung dưỡng các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp diễn sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
M.Chiến
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food:
Nước ngoài cũng sai
Vào giữa năm 2016, từ thông báo của Bộ phận Thực phẩm nhập khẩu (Úc) gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về lô cá điêu hồng từ Việt Nam nhiễm kháng sinh, nêu rõ lô hàng này là của Saigon Food nên Nafiqad đã gửi công văn qua email đến DN đề nghị truy xuất lô hàng, điều tra nguyên nhân, thiết lập và áp dụng các biện pháp khắc phục. Trong vòng 30 phút, Saigon Food đã phản hồi cho Nafiqad khẳng định DN không sản xuất cá điêu hồng và không xuất khẩu sang Úc. Tuy nhiên, thông tin cá điêu hồng của Saigon Food nhiễm kháng sinh được các báo đăng tải khiến tin sai sự thật lan truyền nhanh chóng. Chúng tôi mất cả tháng để yêu cầu các báo đính chính, gỡ tin cũ. Trường hợp của Saigon Food, nếu Nafiqad chờ DN phản hồi xong thì mới công bố thông tin thì đã không xảy ra sự cố. Sau này chúng tôi tìm hiểu mới biết lô cá điêu hồng bị cảnh báo thuộc về một DN khác tại TP HCM.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM:
Thanh tra đúng luật nhưng bị dư luận "chụp mũ"
Về việc kiểm tra cơm tấm Kiều Giang, thanh tra đã làm đúng luật nhưng đang bị dư luận "chụp mũ". Đây là trường hợp kiểm tra định kỳ, theo kế hoạch, có thông báo trước bằng văn bản cho DN. Trong thông báo có nêu rõ những nội dung thanh tra để cơ sở chuẩn bị nhưng thanh tra thực tế vẫn phát hiện những lỗi về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, không cung cấp được hóa đơn chứng từ cho lô hàng nguyên liệu, phụ gia không nhãn mác. Thanh tra đã lập biên bản những hành vi này và thông tin được công bố trên website của ban. Quá trình thanh tra, một số phóng viên có mặt ghi nhận và thông tin sự việc nhưng ban chỉ chịu trách nhiệm về những gì mình cung cấp.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:
Mong cơ quan quản lý đồng cảm với DN
Mỗi thương hiệu được DN gầy dựng trong nhiều năm trời là cả gia sản nên không ai muốn đánh mất. Do đó, mong cơ quan quản lý hãy đồng cảm với DN nhiều hơn, đừng lấy những sai sót, lỗi nhỏ của DN làm điểm yếu để làm khó. Nếu thiếu quy trình, thông tin chưa đầy đủ mà vội vàng đẩy cho truyền thông thì rất thiệt thòi, "giết chết" DN nhanh nhất.
L.Anh - Ng.Ánh ghi
Thịt bò BEEF | 1.384.611.898 VNĐ / tấn 335.15 BRL / kg | 0.16 % + 0.55 |
Thịt gà CHICKEN | 33.215.813 VNĐ / tấn 8.04 BRL / kg | 0.00 % - 0.00 |