Một điểm chung của các lãnh đạo ngành công thương nhiệm kỳ này là đều có nền tảng chuyên môn cao về lĩnh vực mình phụ trách. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (sinh năm 1964) trước khi trở thành Bộ trưởng đã trải qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Ngay thời điểm mới ra trường, ông Tuấn Anh đã làm chuyên viên tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và công tác ở đây 6 năm trước khi chuyển sang Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch – Đầu tư.
Giai đoạn sau đó, ông lần lượt trải qua các vị trí Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Giám đốc Quỹ Ngoại giao phục vụ kinh tế, Bộ Ngoại giao và làm Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco trong vòng 4 năm trước khi được điều chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ (5/2008).
Từ tháng 8/2010, ông trở lại công tác tại ngành công thương, làm Thứ trưởng kiêm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương rồi Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương chính thức vào 4/2016. Hôm 8/3/2018 vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đại diện Chính phủ Việt Nam đặt bút ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng có lẽ là một trường hợp thú vị khác, khi ông đã 2 lần được bổ nhiệm vị trí Thứ trưởng và cả 2 lần ông đều gắn bó với ngành điện và năng lượng. Lần thứ nhất ông Vượng được bổ nhiệm thứ trưởng vào tháng 8/2010, khi đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. Đến tháng 9/2012, ông được Thủ tướng chỉ định về làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và gắn bó với tập đoàn này cho đến đầu năm 2015.
Sau đó, ông lại được tái bổ nhiệm vị trí thứ trưởng Bộ Công Thương, tiếp tục phụ trách ngành điện và năng lượng. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng sinh năm 1963, từng tốt nghiệp Trường mỏ MGRI tại Moscow, Liên bang Nga, ngoài ra, ông còn có bằng MBA tại trường Trinity College, Ireland.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng sinh năm 1961, có bằng Tiến sĩ năng lượng, được Thủ tướng bổ nhiệm từ tháng 1/2014. Ông Hưng đi lên từ cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương. Trước đó, ông từng làm Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công nghiệp; Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương. Ở thời điểm được bổ nhiệm, ông Hưng là thứ trưởng thứ 7 của Bộ này.
Về mảng Thương mại, trong số lãnh đạo Bộ Công Thương hiện nay, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh có lẽ là người dày dạn kinh nghiệm nhất. Từng là thành viên đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt – Mỹ (BTA) năm 2000, thành viên đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, gần đây nhất, ông Khánh được Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp định CPTPP mới.
Trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng tháng 9/2010, ông Khánh là Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương. Hiện ông đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Cạnh tranh. Hội đồng này được thành lập từ tháng 1/2006 bởi cố Thủ tướng Phan Văn Khải, với chức năng là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước độc lập, chuyên xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh.
Từ trái qua phải: ông Cao Quốc Hưng, ông Trần Quốc Khánh và ông Đỗ Thắng Hải
Vị thứ trưởng còn lại cũng là một cán bộ chuyên môn về vấn đề thương mại. Ông Đỗ Thắng Hải sinh năm 1963, quê tại Bắc Ninh, được bổ nhiệm làm Thứ trưởng từ tháng 1/2014. Trước đó, ông Hải đã từng trải qua nhiều vị trí liên quan như Giám đốc Trung tâm Giao dịch Quốc tế, VCCI; Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại cũ); Phó Cục trưởng Cục Xúc tiên thương mại rồi Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương.