Hơn 70 quốc gia đã nhận được số vắc-xin này, từ Bangladesh (hơn 76 triệu liều) cho đến Barbados (14.040 liều). Báo The Washington Post (Mỹ) cho biết diễn biến trên cho thấy tốc độ phân phối vắc-xin của COVAX đang được đẩy nhanh đáng kể sau thời gian gặp khó vì thiếu nguồn cung và các vấn đề logistics.
Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy khoảng 910 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được COVAX phân phối từ đầu năm 2021 đến ngày 30-12-2021. Con số này vẫn cách xa mục tiêu cung cấp 2 tỉ liều được COVAX đặt ra cho năm ngoái. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định sự gia tăng của số lượng vắc-xin Covid-19 được phân phối thông qua COVAX gần đây cho thấy nguồn cung không còn là thách thức lớn như trước.
Bangladesh là quốc gia nhận được nhiều vắc-xin Covid-19 thông qua chương trình COVAX trong năm 2021. Ảnh: UNICEF
Đại diện COVAX cũng cho biết nguồn cung vắc-xin Covid-19 đang tăng lên, góp phần giúp chương trình đẩy mạnh hoạt động. Ngoài ra, việc các nhà tài trợ thông báo trước về thời điểm cung cấp vắc-xin giúp các nước tiếp nhận chuẩn bị tốt hơn trong khâu phân phối và quản lý. Tại cuộc họp báo mới đây, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ lạc quan về nguồn cung vắc-xin trong năm nay nhưng lưu ý rằng nhiều nước giàu triển khai tiêm mũi tăng cường trên diện rộng có thể làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng vắc-xin trên thế giới.
COVAX từng gặp khó trong huy động tài trợ sau khi chính thức ra đời vào tháng 4-2020. Sau đó, làn sóng Covid-19 liên quan đến biến thể Delta buộc chính phủ Ấn Độ chặn xuất khẩu vắc-xin được sản xuất trong nước hồi tháng 4-2021. Động thái này khiến COVAX mất đi nhà cung cấp chủ chốt là Viện Huyết thanh Ấn Độ.