Phiên giao dịch ngày 19/7, giá tất cả 26 cổ phiếu dòng ngân hàng sụt mạnh, góp phần đáng kể kéo thị trường chứng khoán lao dốc với chỉ số VN-Index mất 55 điểm, chọc thủng mốc 1.250 điểm.
Đáng chú ý, trên sàn HoSE, các cổ phiếu như CTG của VietinBank, TPB của TPBank, MSB của MSB, LPB của LienVietPostBank, TCB của Techcombank, VIB của VIB, VPB của VPBank giảm kịch sàn. Trên HNX và UPCoM, cổ phiếu ABB của ABBank mất 10,9%, BVB của VietCapital Bank giảm 10,5%, NAB của Nam A Bank giảm 9,7%, SHB mất 8,9%, KLB của Kienlongbank giảm 7,9%... Cổ phiếu ngân hàng giảm nhẹ nhất là STB của Sacombank cũng mất tới 3,3%.
Với việc lao dốc 2 tuần liên tiếp kể từ "phiên lịch sử" 6/7, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 20-30% và chạm đáy 3 tháng, trong đó BVB mất giá nhiều nhất khi giảm gần 30%, ABB giảm 21%, CTG giảm 21% (giá đã tính tới điều chỉnh sau chia cổ tức), SGB mất 20%%...
Đánh giá về phiên sụt giảm mạnh ngày 19/7, Chuyên gia Nguyễn Đình Dương - Phòng phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree cho biết, việc giá cổ phiếu nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng lao dốc với nhiều mã giảm sàn là do tổng hòa của nhiều nguyên nhân. Trong đó, theo ông, nguyên nhân quan trọng nhất là do lo ngại của nhà đầu tư về tình hình dịch bệnh Covid- 19 tiếp tục diễn biến xấu với số ca nhiễm tăng nhanh từng ngày, Chính phủ mở rộng giãn cách xã hội ra 19 tỉnh thành phía Nam và triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tại Hà Nội.
"Ngược lại với diễn biến của các cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu ngành dược, y tế lại tăng mạnh với nhiều mã tăng trần như DVN, VPS, DNM, DBT, DDN... điều này thể hiện ý tưởng giao dịch chi phối trong phiên 19/7 là tác động của dịch bệnh Covid 19 lên nền kinh tế nói chung và các ngành nghề cụ thể nói riêng" – ông Dương nói.
Về kế hoạch giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 liệu có phải là thông tin tiêu cực lên cổ phiếu ngân hàng hay không, ông Nguyễn Đình Dương cho biết, mặc dù động thái này có thể gây áp lực lên lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021, nhưng tác động cụ thể đến từng ngân hàng là bao nhiêu thì chưa thể đánh giá được do mỗi ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất riêng, và đối tượng được hưởng giảm lãi suất cũng sẽ được các ngân hàng sàng lọc kỹ. Bởi vậy, để nói việc giảm lãi suất kéo giảm cổ phiếu ngân hàng ở phiên vừa qua cũng không hoàn toàn đúng.
Liên quan đến diễn biến mới nhất trên thị trường tiền tệ là đêm 19/7 theo giờ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính Mỹ đã đạt được thoả thuận chung liên quan đến chính sách tiền tệ, theo chuyên gia phân tích của Pinetree, để xác định một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không, Mỹ áp dụng bộ tiêu chí gồm: Thặng dư thương mại với Mỹ; Thặng dư tài khoản vãng lai; Can thiệp của chính phủ lên thị trường tiền tệ (tính toán dựa trên phần trăm của GPD Quốc gia đó). Ngoài 3 tiêu chí định lượng nói trên, Mỹ còn 1 tiêu chí định tính, mang tính chất quyết định là "mục đích" can thiệp của Chính phủ lên thị trường tiền tệ. Nếu Mỹ kết luận Chính phủ quốc gia đó can thiệp vào tỷ giá "nhằm ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh" thì sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt thao túng tiền tệ. Tháng 4/2021 vừa qua, Việt Nam đã được loại ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ, lý do chính là từ tiêu chí định tính nêu trên, theo đó Mỹ cho rằng chưa đủ căn cứ để xác định "mục đích" can thiệp vào tỷ giá của phía Việt Nam là mục đích xấu.
Trong tuyên bố chung giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 19/07/2021 tiêu chí "mục đích" này được thể hiện rõ ràng hơn, Việt Nam một lần nữa khẳng định "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành chính sách tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung nhằm bảo đảm sự vận hành tốt của thị trường tiền tệ và ngoại hối, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát".
Với hướng nhìn nhận này, ông Nguyễn Đình Dương đánh giá khả năng cao Việt Nam sẽ tiếp tục không nằm trong danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ và sẽ không chịu các biện pháp trừng phạt liên quan. Đây là một thông tin tích cực đối với nền kinh tế nói chung và các ngân hàng nói riêng.
Ngày 20/7 có thêm cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên sàn
Ngày 20/7/2021, gần 445 triệu cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) bắt đầu giao dịch trên thị trường UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày đầu tiên là 13.500 đồng/cổ phiếu. Biên độ giao dịch trong phiên đầu tiên là +/- 40%.
Trước ngày lên sàn, VietABank có 1.913 cổ đông và toàn bộ đều là cổ đông trong nước. Trong đó, có hai cổ đông nhà nước chiếm 3,74% vốn điều lệ ngân hàng, 32 cổ đông tổ chức (32,16%) và 1.879 cổ đông cá nhân (64,1%). Ngân hàng có hai cổ đông lớn là CTCP Rạng Đông và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 7,35% và 12,21%.